Tiểu thuyết phong tục – Thành tựu quan trọng của văn hóa và văn học thời khai sáng ở phương Tây thế kỉ XVIII

TAÏP CHÍ KHOA HOÏC ÑAÏI HOÏC SAØI GOØN  
Soá 25 - Thaùng 12/2014  
TIỂU THUYẾT PHONG TỤC – THÀNH TỰU QUAN TRỌNG  
CỦA VĂN HÓA VÀ VĂN HỌC THỜI KHAI SÁNG  
Ở PHƯƠNG TÂY THẾ KỈ XVIII  
NGUYỄN HỮU HIẾU(*)  
TÓM TẮT  
Về mặt xã hội, các tiểu thuyết phong tục đã nói lên được một thực tế quan trọng của  
thời đại, rằng đây là thời đại “con người ý thức được sự có mặt của mình trên thế giới với  
tư cách là một tộc loại cá thể” hết sức sâu sắc. Và về mặt văn học, tiểu thuyết phong tục,  
cũng có thể hiểu rộng ra là tiểu thuyết hiện thực thời Khai sáng, đã “mở ra khả năng  
nghiên cứu không chỉ sự phức tạp của thế giới bên ngoài mà cả những phức tạp của cá  
nhân, sự phong phú của nó, những xung đột, năng lực của nó” [Souchkov, Số phận lịch sử  
của chủ nghĩa hiện thực, Nxb Tác phẩm mới, tr.43]. Tiểu thuyết phong tục đã góp phần  
vào việc định hình một tư duy tiểu thuyết mới: thế sự hóa đối tượng thẩm mĩ và cách thức  
biểu hiện. Ý nghĩa tiền đề trực tiếp cho tiểu thuyết hiện thực cổ điển thế kỉ XIX của tiểu  
thuyết phong tục thế kỉ XVIII một phần quan trọng chính là ở điểm đó.  
Từ khóa: tiểu thuyết phong tục, thời Khai sáng, đối tượng thẩm mĩ, tiểu thuyết hiện  
thực cổ điển  
ABSTRACT  
In social terms, custom novels depict one important fact of the era. This is the era  
when "people are profoundly aware of their presence in the world as an individual nation.  
And in terms of literature, custom novels which can be interpreted broadly realistic fictions  
in the Enlightenment has opened up the possibility to study not only the complexity of the  
outside world, but also the complexity of individual, its variety, conflicts and power”  
[Souchkov, The historical fate of realism, New Work Publishing House, p.43]. Custom  
novels have contributed to the shaping of a new novel thinking: realizing the aesthetic  
object and expression manner. The direct premise meaning for classic realistic fiction in  
the nineteenth century is significantly the custom novels of the eighteenth century.  
Keywords: custom novel, the Enlightenment, aesthetic objects, classic realistic novel  
(*)Thời đại Khai sáng chưa phải là thời đỉnh  
cao của tiểu thuyết phong tục, mà thời kì  
đỉnh cao của tiểu thuyết này sẽ chờ đợi sang  
thế kỉ sau, gắn liền với tên tuổi những tác giả  
như Balzac, Stendhal, Charles Dickens,  
Thackeray, William Dean Howells... của thế  
kỉ XIX. Lí do dễ hiểu là: trong khuôn khổ  
văn hóa của thời đại tranh đấu về chính trị và  
triết học của thế kỉ XVIII, hầu hết các nhà  
văn bị cuốn vào không khí chung của thời  
đại, và họ muốn bằng những quan niệm phần  
nhiều mang tính trực tiếp, có tính thời sự, dễ  
dàng tác động tới nhận thức của đại đa số  
người đọc thuộc giới tư sản và các tầng lớp  
trung lưu và bình dân. Hơn nữa, thế kỉ XVIII  
tuy đã có phong trào Bách khoa toàn thư (ở  
Pháp) với việc biên soạn và phổ biến nhiều  
(*)PGS.TS, Trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG  
TP.HCM  
6
tri thức khoa học cả tự nhiên và xã hội theo  
tinh thần có lợi cho tầng lớp tư sản và trào  
lưu tư sản hóa nhưng cũng chưa có được  
những thành tựu như trong thế kỉ XIX – thế  
kỉ người phương Tây đứng trước ngưỡng  
cửa thời đại khoa học, với những nghiên cứu  
sâu sắc về đời sống, về sự tranh đấu giữa  
những tầng lớp khác nhau về quyền lợi, cũng  
như về vai trò của hoàn cảnh đối với con  
người (các học thuyết của Lamark, Saint  
Hilàire, Michelet, Darwin…), những vấn đề  
có thể gợi ý niệm về bức tranh toàn cảnh và  
mối quan hệ giữa tâm lí, tính cách của con  
người trong khung cảnh nó sống và hoạt  
động. Tuy vậy, dù không nhiều, nhưng trong  
thế kỉ XVIII cũng đã xuất hiện một số nhà  
văn có những tiểu thuyết mà ở đó thấp  
thoáng dáng dấp của hình thức tiểu thuyết sẽ  
phát triển mạnh mẽ trong nửa đầu thế kỉ  
XIX.  
Một điều rất đặc biệt là trong thế kỉ  
XVIII loại tiểu thuyết này hầu như vắng  
bóng ở Pháp, Đức, Mỹ, nói đúng hơn,ở  
những nền văn học ấy tính chất của tiểu  
thuyết phong tục hết sức mờ nhạt với vài  
biểu hiện nhỏ (như tiểu thuyết “Nữ tu sĩ”  
của Denis Diderot khi nói về đời sống  
trong chốn tu viện, hay tiểu thuyết “Manon  
Lescaut” của A. Prévost ít nhiều đề cập đời  
sống giới giàu có mặt kì triều đại Louis  
XIV), mà chủ yếu chỉ xuất hiện ở nước  
Anh, với một số tác giả tiêu biểu như  
Richardson, Smollett, đặc biệt là Henry  
Fielding. Vì sao lại có hiện tượng đó?  
Trong thế kỉ XVIII, xét về cơ sở hiện thực,  
mặc dù nước Anh vẫn nằm trong trào lưu  
tư sản hóa của châu Âu nhưng rõ ràng có  
những khác biệt rất lớn so với Pháp, Mỹ  
hay nước Đức. Khác biệt cơ bản ở đây là:  
trong khi người Đức, người Mỹ, và đặc  
biệt người Pháp bận tâm tập trung vào hoạt  
động tranh đấu để chống sự trì trệ lạc hậu  
và phân tán về chính trị (như nước Đức), làm  
cách mạng giải phóng dân tộc (như Mỹ), làm  
cách mạng nhân quyền và dân quyền (như  
Pháp), thì người Anh do chính thể quân chủ  
lập hiến đã có những cải cách về thể chế  
(dưới vua có Quốc hội, có nội các, có Thủ  
tướng cùng Hội đồng bộ trưởng điều hành  
đất nước) nên chủ yếu họ ra sức cho cách  
mạng về kinh tế. Kể từ sau “cách mạng vẻ  
vang” 1688, dù trong xã hội vẫn có những sự  
mẫu thuẫn, tranh giành quyền lợi giữa các  
phe phái (giữa đảng Whig và Tory), các  
dòng tộc hay những tranh luận giữa những  
người có quan điểm khác nhau về tôn giáo…  
nhưng nước Anh không có những cơn lốc  
chính trị dữ dội mà chủ yếu người ta tập  
trung cho những sự phát triển về kĩ thuật  
hiện đại (nhất là sự cơ khí hóa ngành dệt may  
truyền thống), về nông nghiệp, mở mang và  
duy trì thế lực ở các thuộc địa rộng lớn ở Bắc  
Mỹ và Ấn Độ… Về kinh tế và chính trị xã  
hội là vậy, còn về đời sống văn hóa tinh thần  
trong thế kỉ XVIII ở Anh cũng có sự khác  
biệt. Ví dụ: trong khi tiếp cận những học  
thuyết của những nhà tư tưởng lớn của thời  
đại (như F.Bacon, Descartes, John Locke,  
Montesquieu…) người Pháp thường có xu  
hướng khai thác những khía cạnh có tính  
chất đối lập quyết liệt với chủ nghĩa giáo  
điều và sự ngưng trệ phong kiến để tạo nên  
những cuộc tranh luận về triết học, khoa học,  
tôn giáo khá gay gắt và có tính chất “đập  
phá” thì ở Anh ngược lại, người ta ra sức phổ  
biến những quan điểm mới ấy theo hướng  
làm sao có lợi cho việc điều chỉnh nhận thức  
của con người với mục đích hướng đến sự  
hợp lí, khách quan và một sự bình ổn về xã  
hội và đạo đức. Những quan điểm mới về  
con đường truy tầm chân lí của Francis  
Bacon (1561 – 1626), một triết gia, một  
nhà văn và chính khách trong thế kỉ XVI –  
XVII, “ông tổ thực sự của chủ nghĩa duy  
7
vật Anh và tất cả những khoa học thự  
nghiệm hiện đại” (thuyết của Bacon đã  
sớm nêu nguyên tắc thực nghiệm theo ba  
bước quan sát, nêu giả thuyết và kiểm  
chứng bằng thực tiễn, hoàn toàn không xa  
với nguyên tắc của khoa học hiện đại), hay  
tư tưởng đề cao con ngưởi tự nhiên và  
thuyết duy cảm của John Locke, David  
Hume trở thành kinh nghiệm quí báu và có  
những tác động quan trọng đối với việc  
kiến tạo đời sống tinh thần Anh trong thế  
kỉ XVIII, mà văn học là một phần quan  
trọng trong đó. Những đặc điểm có tính  
lịch sử trên nhiều phương diện của nước  
Anh ấy có thể được xem là cơ sở quan  
trọng dẫn đến sự xuất hiện sớm ở nền văn  
học này thể loại tiểu thuyết phong tục, một  
hình thức tiểu thuyết ít hoặc không trực  
tiếp đề cập đến những vấn đề chính trị xã  
hội rộng lớn, mà có xu hướng quan tâm  
những điều bình dị trong đời sống thường  
nhật, đời sống riêng tư và phong tục đạo  
đức, cũng như chú trọng việc khai thác và  
thể hiện tâm lí, tính cách của các nhân vật.  
Samuel Richardson (1689 1761) là  
một người sớm bộc lộ thiên hướng quan sát  
và viết về những hoàn cảnh éo le, những  
“trạng huống mang tính xã hội phức tạp rõ  
rệt”, đặc biệt ông hay đề cập tới những vấn  
đề liên quan tới đạo đức xã hội thông  
thường, như đạo đức trong tình yêu và hôn  
nhân. S. Richardson viết không nhiều, tên  
tuổi ông chủ yếu gắn với ba bộ tiểu thuyết:  
“Pamela hay đức hạnh được đền bù”  
(Pamela or Virtue rewarded) gồm 4 tập được  
xuất bản trong bảy năm, từ 1740 đến 1747;  
“Clarissa Harlowe hay câu chuyện về một  
người phụ nữ trẻ” (Clarissa Harlowe or The  
history of a young lady) xuất bản năm 1748,  
và “Charles Grandison” (1754). Trong số  
những tác phẩm ấy, tiểu thuyết “Pamela hay  
đức hạnh được đền bù” có thể được xem là  
một trong những tiểu thuyết phong tục tiêu  
biểu trong văn học Anh thế kỉ XVIII.  
Pamela là nhân vật chính. Đó là một cô  
gái xuất thân gia đình nghèo và trở thành  
con nuôi trong một gia đình quí phái. Dù  
được ở trong một gia đình giàu có nhưng  
thân phận cô gái cũng không khác gì kiếp  
tôi đòi. Con trai của bà chủ, anh chàng  
Belfort, vốn là một chàng thanh niên lêu  
lổng, phóng đãng, đã tìm mọi cách, lúc thì  
dụ dỗ, lúc dùng tiền bạc, lúc lại cậy thế ông  
chủ để đe dọa, cưỡng ép hòng chiếm đoạt  
tình cảm của cô. Tuy vậy, với đức tính hồn  
nhiên và sự hiền dịu bẩm sinh không bao  
giờ biết đến thù hằn, cô dần cảm hóa được  
bá tước Belford, làm cho anh ta từ bỏ tính  
kiêu ngạo tự phụ của giới thượng lưu và  
thiên kiến đẳng cấp để cuối cùng hai người  
có một kết thúc có hậu với một hạnh phúc  
viên mãn.  
Thực ra, với tiểu thuyết này, ta cũng có  
thể có những định danh khác nhau: tiểu  
thuyết tâm lí, tiểu thuyết thư tín, tiểu thuyết  
thuyết giáo đạo lí… Mỗi cách định danh  
như thế đều có cơ sở từ chính đặc tính nội  
dung và hình thức tiểu thuyết, hoặc từ  
thông điệp mà Richardson muốn gửi gắm  
tới người đọc cùng thời. Tuy nhiên, nếu xét  
trên nhiều khía cạnh, việc định danh tiểu  
thuyết phong tục cho tác phẩm này có lẽ  
phù hợp hơn.  
Tác phẩm là một tập hợp nhiều lá thư  
kể chuyện về cô gái nghèo Pamela. Cốt  
truyện tuy không có gì phức tạp, rối rắm,  
nhưng tác phẩm nói lên nhiều điều liên  
quan đến sự tiến hóa của thể loại văn học  
cũng như sự tiến hóa của văn học Anh.  
Điều quan trọng ở đây là, đằng sau hình  
thức thư từ ấy là môi trường xã hội, là số  
phận của một con người bé nhỏ bị lép vế  
và bị coi thường trong cái nhìn của giới  
nhà giàu. Những định kiến về vị trí sang  
8
hèn, giàu nghèo, mà ở đây là thái độ coi  
thường của Belford đối với nguồn gốc xuất  
thân của Pamela đã làm cho tác phẩm trở  
thành một câu chuyện kể về vấn đề có tính  
hiện thực và xã hội sâu sắc. Tuy thông điệp  
đạo đức của tiểu thuyết cũng khá rõ khi  
nhà văn muốn nhấn mạnh những phẩm  
chất “trung thực, lòng trung thành, sự siêng  
năng (phải) là các đức tính trụ cột của xã  
hội”, nhưng cái thông điệp đạo đức ấy  
cùng với kết thúc có hậu của tiểu thuyết  
vẫn không làm mờ đi ý nghĩa quan trọng  
của tác phẩm: đó là một câu chuyện về đời  
sống của người bình dân, những người vốn  
chỉ được đóng vai phụ trên sân khấu đời  
sống, với tất cả tâm tư và cảm xúc đời  
thường của họ.  
Tiểu thuyết phong tục không chỉ là vấn  
đề miêu tả số phận hay tái hiện hoàn cảnh  
sinh hoạt có tính chất thường nhật của các  
nhân vật, mà đi liền với những điều ấy nhà  
văn còn đi sâu khai thác tâm lí của họ trong  
mối tương quan với hoàn cảnh mà họ là  
nạn nhân hoặc là sản phẩm của nó. Tâm lí  
đó là thứ tâm lí có tính chất riêng tư, đời  
thường, không cường điệu. Chính thứ tâm  
lí rất “cận nhân tình” của Pamela đã làm  
cho hình tượng thêm tính thuyết phục. Mối  
quan hệ giữa cô và Belford trước khi đi  
tới kết thúc có hậu là một thứ tâm lí đầy  
phức tạp, ở đó cô phải vừa dịu dàng, thậm  
chí có vẻ là phục tùng trong quan hệ giữa  
người ở và ông chủ, nhưng cũng vừa phải  
cương quyết để bảo vệ danh dự của mình.  
Hơn thế nữa, một mặt Pamela biết Belford  
là người đưa lại cho cô rất nhiều đau khổ  
và tủi nhục và bắt cô phải chịu đựng,  
nhưng mặt khác trái tim non trẻ của cô lại  
không chống lại được những rung động  
trước anh ta. Tính chân thật, chiều sâu của  
những uẩn khúc tâm lí và bóng dáng môi  
trường xã hội gắn liền với số phận nhân vật  
đã khiến tác phẩm được xem là “tiểu thuyết  
tiếng Anh hiện đại đầu tiên”, và tác giả của  
– Samuel Richardson là người “đã có  
công đóng góp vào việc tạo ra thể loại tiểu  
thuyết hiện đại Anh” [Hữu Ngọc chủ biên,  
Từ điển tác gia văn học và sân khấu nước  
ngoài, Nxb Văn hóa, 1983, tr. 379].  
Henry Fielding (1707 1754) được  
coi là người đưa tiểu thuyết phong tục thế  
kỉ XVIII đạt tới đỉnh cao nhất của nó, đồng  
thời là “tiểu thuyết gia vĩ đại nhất” trong  
thời đại Khai sáng. Thậm chí Walter Scott,  
một nhà văn bậc thầy của thể loại tiểu  
thuyết lịch sử Anh đầu thế kỉ XIX không  
chỉ rất ngưỡng mộ Henry Fielding mà còn  
coi ông là “cha đẻ của tiểu thuyết Anh”.  
H. Fielding viết khá nhiều, cả kịch trào  
phúng chính trị (trên 20 vở) và tiểu thuyết,  
nhưng thường thì người ta ít khi nhắc đến  
ông với tư cách nhà viết kịch mà chủ yếu  
nhắc đến ông với tư cách tiểu thuyết gia  
quan trọng trong lịch sử tiểu thuyết Anh và  
lịch sử tiểu thuyết châu Âu nói chung.  
Ông là tác giả của nhiều tiểu thuyết, như  
“Joseph Andrews” (1742) “Cuộc đời của  
ông Jonathan Wild vĩ đại” (Life of Mr.  
Jonathan Wild The Great, 1743), “Hành  
trình tới Lisbon” (Voyage to Lisbon, 1751)  
“Amilia” (1752)… trong đó mỗi tiểu  
thuyết được viết theo một lối riêng, cho  
thấy bút pháp đa dạng và quan niệm tiểu  
thuyết khá rõ ràng ở nhà văn này.  
Tiểu thuyết đỉnh cao và gắn liền với  
tên tuổi Henry Fielding là “Câu chuyện về  
Tom Jones, đứa trẻ bị bỏ rơi” (The history  
of Tom Jones, a foundling, 1749). Đó là  
câu chuyện kể về cuộc đời và số phận của  
một đứa trẻ vô thừa nhận sống trong gia  
đình một điền chủ giàu có và tốt bụng, ông  
Allworthy. Những tưởng cuộc sống sẽ  
bằng phẳng và tràn đầy hạnh phúc, nhưng  
khi lớn lên Tom Jones lại luôn phải đối  
9
diện với sự toan tính, hiềm tị của Blifil, một  
người cháu ruột của điền chủ. Với những  
rắc rối, phức tạp chung quanh quan hệ tình  
cảm của hai chàng trai với cô gái trẻ đẹp  
Sophie và chuyện dành quyền thừa kế trong  
gia đình của Blifil, anh ta đã dùng những lời  
nói xấu và dèm pha đầy ác ý, buộc ông  
Allworthy phải đuổi Tom Jones ra khỏi nhà.  
Tuy nhiên, sau những tháng ngày gian truân  
vất vả, bí mật về cuộc đời của anh cũng  
được hé lộ: Tom chính là con hoang của  
người em gái của ông Allworthy, và là anh  
cùng mẹ khác cha với Blifil. Khi bí mật  
được sáng tỏ, những tươi sáng của cuộc đời  
đã đến với Tom Jones, anh trở thành người  
thừa kế và có lại tình yêu với cô gái trẻ tốt  
bụng Sophie.  
Charles Dickens (1812 – 1870) với tiểu  
thuyết “Oliver Twist” và “David  
Corpperfield”, hay Charlotte Brontee  
(1816 – 1855) với tiểu thuyết “Jane  
Eyre”… Nếu xét trong khung thẩm mĩ  
hiện thực chủ nghĩa thế kỉ XVIII, khi mà  
hoàn cảnh chưa trở thành một khách thể  
mĩ học và các nhà văn chưa có kinh  
nghiệm “tái hiện nghệ thuật đối với môi  
trường” cũng như “chưa truyền được cảm  
hứng cho thế giới chung quanh con người”  
[Souchkov, Số phận lịch sử của chủ nghĩa  
hiện thực, tr.81] thì những gì Henry  
Fielding đã làm được trong tiểu thuyết này  
đã là một ngoại lệ, vượt ra ngoài thói quen  
phổ biến (chủ yếu kể lại người, sự việc, sự  
vật) của tiểu thuyết thế kỉ XVIII.  
Xét về khía cạnh thể loại, cuốn tiểu  
thuyết hứa hẹn có nhiều điều rất mới mẻ,  
không xa với tiểu thuyết hiện thực, và  
tất nhiên là đã có những điểm vượt ra khỏi  
những đặc điểm thường thấy ở tiểu thuyết  
nói riêng và văn xuôi nói chung của thời  
đại Khai sáng.  
Cùng được xem là những tiểu thuyết  
phong tục, nhưng nếu so với tiểu thuyết  
“Pamela hay đức hạnh được đền bù” của  
Samuel Richardson thì tiểu thuyết “Câu  
chuyện về Tom Jones, đứa trẻ bị bỏ rơi”  
của Henry Fielding cũng có nhiều thay đổi.  
Sự khác biệt ở đây không chỉ dừng ở hình  
thức trần thuật, một bên là hình thức thư  
tín (số phận, tâm trạng thể hiện qua những  
bức thư) và một bên là kể và tả (tức là dùng  
lời văn trần thuật), mà điều quan trọng ở  
chỗ sự lựa chọn những hình thức khác  
nhau đó có liên quan tới dụng ý của nhà  
văn, một bên chú trọng phương diện tình  
cảm (cũng có ý kiến xếp tác phẩm của  
Richardson vào thể loại tiểu thuyết tình  
cảm), còn một bên muốn thể hiện một thứ  
hoàn cảnh “không thêm bớt” và hình ảnh  
“con người tự nhiên” theo một cách tự  
nhiên nhất. Chính ngôn ngữ văn xuôi dạng  
kể tả của tác phẩm đã góp phần làm tăng  
chất đời thường của nội dung trần thuật  
một cách đáng kể.  
So với các hình thức tiểu thuyết khác  
cùng thời (tiểu thuyết phiêu lưu, tiểu thuyết  
tình cảm, tiểu thuyết triết học…), tiểu  
thuyết “Câu chuyện về Tom Jones, đứa trẻ  
bị bỏ rơi” là một tác phẩm khá dày đặc về  
tình tiết, sự kiện. Tuy cốt truyện không quá  
rối rắm phức tạp, nhưng sự diễn biến của  
cốt truyện cùng với những tình tiết và sự  
kiện đi liền với nó luôn gợi ở người đọc  
những hình dung về đời sống mà ở đó có  
những cảnh đời, những phong tục tập quán,  
những bức tranh khung cảnh xã hội, cũng  
như bức tranh sinh hoạt trong những gia  
đình nông thôn nước Anh thế kỉ XVIII. Cái  
cách nhà văn miêu tả khung cảnh gia đình  
Allworthy cũng như số phận các nhân vật  
trong đó rất gần với cách miêu tả của các  
nhà văn hiện thực Anh đầu thế kỉ XIX, như  
Văn học thế kỉ XVIII nhìn chung bị  
điều kiện hóa bởi nhu cầu cổ võ cho tinh  
10  
thần mới (tinh thần tư sản) và gắn với mục  
đích xây dựng tâm hồn và trí tuệ con  
người, chấn chỉnh đạo đức cá nhân và xã  
hội.... Trong điều kiện như thế, dù muốn  
hay không thì tiểu thuyết của Fielding cũng  
không hoàn toàn thoát ra khỏi bầu khí  
quyển văn hóa chung của thời đại mình.  
Dấu vết của tính chất bị điều kiện hóa ấy  
chúng ta có thể tìm thấy trong thái độ thiện  
cảm của tác giả đối với những nhân vật  
mang vẻ đẹp tinh thần và thể chất như  
Allworthy, Tom Jones, Sophie Western…,  
tất cả họ là những con người đáng mến, có  
tấm lòng trong sáng, thánh thiện (kể cả ông  
Allworthy, dù ông đã đuổi Tom Jones ra  
khỏi nhà). Giống với tiểu thuyết của  
Richardson, để khẳng định giá trị đạo đức,  
H. Fielding cũng vận dụng khung truyện  
kể có kết thúc có hậu (happy ending) và  
motif quen thuộc lưu lạc – đoàn viên của  
nhân vật trung tâm… Tuy vậy, so với tiểu  
thuyết “Pamela”, vấn đề đức hạnh và lí  
tưởng về con người đức hạnh ở “Truyện về  
Tom Jones, đứa trẻ bị bỏ rơi”đã được “cất  
dấu” rất khéo sau những miêu tả đậm chất  
văn xuôi về một hiện thực đời sống đa diện  
và một đời sống tâm lí nhiều chiều của các  
nhân vật. Tác giả không bị sa đà vào mục  
đích giáo huấn đạo đức cũng như lí tưởng  
hóa nhân vật tốt bụng một cách lộ liễu.  
Ông tỏ ra có thiện cảm với những con  
người tốt bụng, nhưng mặt khác, trong khi  
nói về những đức tính tốt thì đồng thời ông  
cũng đề cập đến những tính xấu như thói  
tham lam, ích kỉ, toan tính của người đời.  
Cách thể hiện như thế của H. Fielding rõ  
ràng có cơ sở từ sâu xa quan niệm về “con  
người tự nhiên” của nhà văn, ở đó “đức  
hạnh là do bản tính tự nhiên – chúng tạo  
thành bản chất nội tại của nó (nhân vật),  
chúng không được đưa từ bên ngoài vào  
tâm hồn… (mà) chẳng qua nó biểu hiện  
những đặc tính của bản tính con người, bản  
tính như thế nào thì biểu hiện như vậy”  
[B.Souchkov, Số phận lịch sử của chủ  
nghĩa hiện thực, Nxb Tác phẩm mới, tr. 80].  
Nhìn lại quá trình tiến hóa của văn học  
hiện thực, nói chính xác ra là văn học mang  
tính hiện thực (hay có xu hướng hiện thực)  
trong lịch sử văn học phương Tây từ thời  
đại Phục hưng cho đến thế kỉ XVIII và thời  
đại Khai sáng, sự xuất hiện của tiểu thuyết  
phong tục dù xét về qui mô vẫn còn mang  
tính cục bộ (chủ yếu là văn học Anh) và  
cũng chưa có nhiều nhà văn đi theo thể loại  
này, nhưng không thể không khẳng định  
rằng đó là một bước phát triển đáng kể của  
tiểu thuyết và tư duy tiểu thuyết. Vì vậy, để  
đánh giá một cách thỏa đáng vị trí của thể  
loại tiểu thuyết phong tục thiết nghĩ không  
thể không đặt nó trong tiến trình lịch sử  
văn học phương Tây nói chung, lịch sử văn  
xuôi nói riêng.  
Ngay trước thời đại Phục hưng, từ thế  
kỉ thứ V, cụ thể từ năm 476 (năm đánh dấu  
sự sụp đổ của đế quốc Tây La Mã) đến  
năm 1453 (năm đánh dấu sự sụp đổ của đế  
quốc Đông La Mã, cũng là trên toàn cõi  
châu Âu) được gọi là thời đại trung đại.  
Trong suốt mười thế kỉ ấy, trong những thế  
kỉ trung đại sơ kì, các dân tộc phương Tây  
phải dồn sức lực của mình vào quá trình  
lập quốc (phân chia ranh giới, xác định  
cương vực, lãnh thổ), củng cố ý thức cộng  
đồng, sau đó là nâng cao ý thức dân tộc để  
hướng đến khẳng định vị thế riêng của mỗi  
dân tộc trong mối tương quan với các dân  
tộc khác trên lãnh thổ châu Âu. Tiếp theo  
những thế kỉ lập quốc đó là thời kì người  
phương Tây củng cố uy thế của Nhà thờ.  
Giáo hoàng La Mã trực tiếp phát động  
những cuộc thánh chiến, tiến hành những  
cuộc viễn chinh chinh phục những người  
bị xem là tà đạo và giải phóng vùng đất  
11  
Thánh Palestine trong suốt một thời gian  
dài gần hai thế kỉ (từ 1098 đến năm 1270)  
với nhiều cuộc viễn chinh lớn nhỏ. Trong  
những thế kỉ trung đại này, nhà thờ và tu  
viện trở thành những trung tâm, không  
những là trung tâm tôn giáo mà còn là  
trung tâm văn hóa và giáo dục. Văn hóa  
tôn giáo và văn hóa La – tinh thống trị đã  
dẫn đến thực tế là chủ thể văn hóa của thời  
trung đại bị thu hẹp, chủ yếu là những  
người có học vấn cao, thông thạo ngôn ngữ  
La – tinh, đó là những vị linh mục, giới  
tăng lữ, ngoài ra còn có giới hiệp sĩ quí tộc.  
Tôn giáo ngày càng chi phối mạnh mẽ hệ  
thống tri thức và cách nhìn thế giới, cũng  
như chi phối cách nhìn cuộc đời của người  
phương Tây trung đại. Về tri thức, đó là sự  
chi phối của học thức và những quan niệm  
có tính chất kinh viện (scholasticisme),  
không khuyến khích những sáng tạo mới  
mà chủ yếu củng cố và làm rõ những tín  
điều và nhận thức đã có; về cách nhìn đời  
sống, tôn giáo hướng con người phải liên  
tục đặt mình trong tâm điểm của sự lựa  
chọn giữa thiện và ác, giữa tội lỗi và đức  
hạnh, vinh quang và ô nhục (nhất là từ năm  
1215, khi Giáo hoàng La Mã ra sắc lệnh  
yêu cầu các nhà thần học không chỉ chăm  
sóc các tín đồ tôn giáo mà còn phải quan  
tâm đời sống của người thế tục và quy định  
những người đến tuổi thành niên mỗi năm  
phải xưng tội một lần)… Tính chất tôn  
giáo của văn hóa nói chung cũng chính là  
đặc điểm quan trọng của văn học trung đại  
phương Tây. Vì vậy, không phải ngẫu  
nhiên mà trong thời kì đầu của văn học,  
thậm chí là những sáng tác đầu tiên phần  
nhiều rất đậm tính chất tôn giáo, thậm chí  
có thể xem đó là những tác phẩm gắn với  
chức năng truyền giáo, như bài thơ “Giấc  
mơ Thánh giá” (The Dream of Rood), hay  
những câu chuyện về cuộc đời của các  
Thánh, như “Cuộc đời Thánh Alexis” (Vie  
de Saint Alexis), Cuộc đời Thánh Léger  
(Vie de Saint Léger), “Tụng ca Nữ thánh  
Eulalie” (Cantilène de Sainte Eulalie),  
“Sách về tội lỗi” (Le manuel des péchés)…  
của các nhà thơ khuyết danh, hay đó là  
các truyện thơ của Rutebeuf – một nhà  
thơ chuyên nghiệp, như “Đồng tiền của  
Chúa”, “Đường Thiên đường”…. “Văn  
hóa thời trung cổ cốt yếu mang tính chất  
tôn giáo. Được lưu truyền bởi các học giả,  
tất cả đều là các tăng lữ, nền văn hóa này,  
trước hết, là cỗ xe chuyên chở lòng tin”  
[Xavier Darcos, Lịch sử văn học Pháp,  
tr. 26 27].  
Tất nhiên, văn hóa và văn học thời  
trung đại đậm tính chất tôn giáo nhưng  
không phải thuần tôn giáo. Trong thời kì  
đầu nhà thờ, tu viện phát triển rất nhanh, vì  
ngoài việc truyền bá tôn giáo thì các tổ  
chức trung gian ấy còn có vai trò rất quan  
trọng trong việc tập hợp và liên kết con  
người khi mà các dân tộc mới hình thành  
chưa lâu, nhưng dần dần càng ngày càng  
rõ, bên cạnh mạch văn hóa tôn giáo - tinh  
thần còn có một mạch văn hóa khác mang  
tính thế tục (gọi là văn hóa thế tục). Văn  
hóa thế tục này, trong đó có văn học mang  
tính thế tục, vừa xen lẫn với văn hóa tôn  
giáo – văn hóa tinh thần để tạo nên đặc tính  
bất phân của văn học và văn hóa, vừa như  
một thực thể văn hóa và văn học đối trọng  
với văn hóa tôn giáo và văn hóa La - tinh  
ấy. Mạch văn hóa và văn học thế tục này  
càng về hậu kì trung đại càng có vai trò lớn  
hơn và dần đe dọa thế chỗ cho văn học của  
văn hóa tôn giáo và La – tinh. Các tác  
phẩm “Những truyện kể ở Canterbury”  
(The Canterbury tales) của nhà văn Anh  
Geoffrey Chaucer (1342 1400), hay  
“Chuyện chàng Cáo” (Roman de Renart)  
và hệ thống các câu chuyện mang tính khôi  
12  
hài như truyện cười và truyện tiếu lâm  
trong văn học Pháp… là hết sức tiêu biểu  
cho văn hóa và văn học thế tục, hoặc có  
liên quan đến mạch ngầm văn hóa thế tục  
hậu kì trung đại.  
mang nặng tính hoài nghi của Montaigne  
hay những học thuyết cổ xúy cho cá nhân  
và niềm vui với cái tự nhiên hài hòa của  
Erasme hay của Mirandola… thực sự đã là  
bệ đỡ về mặt tinh thần cho những sáng tạo  
văn học của thời đại này. Qui luật phát triển  
của văn học đã xác nhận rằng, tiến trình lịch  
sử văn học không chỉ có đột biến mà còn có  
sự tiệm tiến, vừa có sự đứt gãy vừa mang  
tính liên tục. Trong những điều kiện mới với  
những tinh thần mới của thời đại Phục  
hưng, dòng văn học thế tục vốn có vị thế lép  
vế trong văn hóa trung đại trở thành có ý  
nghĩa như một sự chuẩn bị cho sự bùng nổ  
của một thời đại văn học mới.  
Đã có một chủ nghĩa hiện thực thời đại  
Phục hưng, hay nói cách khác có vẻ chặt chẽ  
hơn, rằng văn học từ thời đại Phục hưng đã  
bắt đầu có những biểu hiện theo khuynh  
hướng hiện thực chủ nghĩa, và đó là một  
trong những bước chuẩn bị quan trọng, có  
tính chất nội tại, cho một chủ nghĩa hiện thực  
ở trình độ cổ điển thăng hoa vào thế kỉ XIX  
ở hầu hết các nền văn học châu Âu. Tuy vậy,  
khuynh hướng hiện thực trong thời đại Phục  
hưng vẫn chủ yếu là sự khẳng định một tinh  
thần mới của văn học, đó là sự vinh danh  
một mĩ học mới – mĩ học hướng về những  
giá trị có thực của đời sống, chứ chưa phải  
khuynh hướng hiện thực theo nghĩa chú  
trọng vào việc thể hiện những bức tranh đời  
sống, phản ánh những tình thế hiện thực theo  
tinh thần khách quan về lịch sử, hay sự phân  
ch sâu sắc những quan hệ xã hội đang tồn  
tại…. Về phương diện thể loại, các thể loại  
văn học phát triển mạnh và phổ biến chủ yếu  
vẫn là kịch (Shakespeare…), thơ (Pétrarque,  
Ronsard…), truyện mang màu sắc phiêu lưu  
và truyện trào phúng (Thomas More,  
Boccaccio, Marguerite de Navarre…), các  
bài luận của những nhà nhân văn chủ nghĩa  
(như Montaigne, Erasme, Bruno…). Tác  
Điểm lại một ít về văn học thời đại tiền  
Phục hưng như vậy ta thấy khá rõ rằng,  
mặc dù trong thời đại trung đại bên cạnh  
văn học tôn giáo đã có những tác phẩm văn  
học mang tính thế tục, nhưng nếu xét trong  
tương quan thì dòng văn học này vẫn đang  
còn lép vế so với mạch văn học mang tính  
chính thống kia. Trong một thời đại mà văn  
hóa chính thống là văn hóa tôn giáo thắng  
thế, bên cạnh đó là sự chi phối của quyền  
lực và thể chế phong kiến, con người chưa  
ý thức nhiều về quyền cá nhân, quyền phải  
sống cho mình thì những câu chuyện liên  
quan đến vấn đề thân phận, quyền lợi riêng  
tư chưa thể có đất sống để trên cơ sở đó  
tiểu thuyết nói chung và tiểu thuyết phong  
tục nói riêng nảy sinh và dành được chỗ  
đứng. Thêm vào đó, thẩm mĩ văn học trung  
đại luôn đề cao yêu cầu về tính chất sang  
trọng, cao nhã (courtoisie), nhất là những  
tác phẩm văn học là con đẻ của văn hóa  
hiệp sĩ quí tộc trung kì trung đại, cho nên  
một thể loại như tiểu thuyết thế tục rõ ràng  
còn rất lâu mới có thể được chấp nhận.  
Sang thời đại Phục hưng, có vô số  
những thay đổi cả về lịch sử xã hội và văn  
hóa, ở đó một trong những điều cơ bản và  
phổ quát nhất, đó là phong trào văn hóa này  
đã góp phần tạo ra một thực tế mới: thế giới  
thế tục càng ngày càng thể hiện rõ xu hướng  
thoát ra khỏi sự lệ thuộc thế giới thánh thần.  
Những sự hoài nghi đối với tôn giáo và chủ  
nghĩa kinh viện trong tri thức thúc đẩy  
mạnh mẽ và khuyến khích con người thời  
đại Phục hưng càng ngày càng tin hơn vào  
cuộc sống trần gian, vào những hoạt động  
thực tiễn và những giá trị vật chất. Tư tưởng  
13  
phẩm được nhắc đến nhiều và là thành  
tựu của thể loại tiểu thuyết trong thời kì  
này là tiểu thuyết nhại mang màu sắc phiêu  
lưu “Don Quijoté” của nhà văn Tây Ban Nha  
Cervantès, hay tiểu thuyết trào phúng  
“Gargantua và Pantagruel” của nhà văn Pháp  
F. Rabelais. Cho tới tận thế kỉ XVII cũng  
vậy, thể loại tiểu thuyết hầu như vắng bóng  
trên văn đàn Anh và Đức, chỉ một vài tiểu  
thuyết gia ở Pháp được biết đến như phu  
nhân de Lafayette (1634 - 1693) với tiểu  
thuyết mang màu sắc một tiểu thuyết lịch sử  
“Công chúa de Clèves”, hay Fénelon (1651 –  
1675) với tiểu thuyết mang màu sắc chính trị  
“Những cuộc phiêu lưu của Télémaque” và  
một số sáng tác của các nhà văn thuộc dòng  
văn học cầu kì như Scudéry và D’Urfé... Với  
văn học Pháp thế kỉ XVII, đó là một thế kỉ  
của sân khầu cổ điển và các hình thức văn  
học thiên về chức năng giáo hóa đạo đức,  
với những đỉnh cao như Pierre Corneille và  
Jean Racine với bi kịch, Molière với hài kịch  
và La Fontaine với thơ ngụ ngôn… Đặt tiểu  
thuyết phong tục trong lịch sử vận động của  
thể loại tiểu thuyết như vậy ta mới thấy một  
cách rõ ràng và thực chất hơn thành tựu văn  
xuôi của thời đại Khai sáng và vị trí của thể  
loại tiểu thuyết này.  
Sự ra đời của thể loại tiểu thuyết  
phong tục đã làm thay đổi đời sống văn học  
rất nhiều mặt, trong đó đặc biệt là sự  
thay đổi tư duy tiểu thuyết. Trước thế kỉ  
XVIII, nhất là thời Phục hưng, như đã  
khẳng định, tiểu thuyết đã bắt đầu có những  
biểu hiện của khuynh hướng hiện thực qua  
một số sáng tác của các nhà văn đỉnh cao và  
tiên phong như Cervantès hay Rabelais…  
Điều đó là không phủ nhận, nhưng khuynh  
hướng hiện thực trong sáng tác của những  
nhà văn này, xét đến cùng, chủ yếu vẫn đặt  
trọng tâm vào thái độ từ khước thế giới  
siêu nhiên và những ảo tưởng siêu nhiên,  
thay vào đó là lí tưởng về đời sống hồn  
nhiên và hài hòa (Rabelais), hay khước từ  
ảo tưởng của lí tưởng hiệp sĩ trung đại, để  
hướng về những giá trị có thực của đời  
sống. Việc Rabelais đề cập tới nhiều khía  
cạnh khác nhau trong “Gargantua và  
Pantagruel” như sự trì trệ lạc hậu của tri  
thức và nền giáo dục kinh viện, sự phù  
phiếm của giới quí tộc, hay cảm quan về sự  
biến đổi liên tục của thế giới… là những  
vấn đề của đời sống trần gian, nhưng  
Rabelais chưa bao giờ thể hiện trong tác  
phẩm của mình sự miêu tả những vấn đề ấy  
với ý thức xem chúng là đối tượng thẩm mĩ  
trực tiếp. Khẳng định lí tưởng nhân văn  
thông qua việc ca ngợi sự sống hồn nhiên,  
tự nhiên và hài hòa vẫn là giá trị căn bản  
của tiểu thuyết của nhà văn vĩ đại này. Việc  
Rabelais vận dụng lối kể chuyện ở bàn ăn  
(cũng có thể gọi một cách tu từ đó là “thi  
pháp kể chuyện bàn ăn”, một sáng tạo hết  
sức độc đáo mà ông với tư cách là nhà  
thông thái đã rút tỉa bài học từ nhiều nguồn  
nguyên mẫu, từ “Bữa tiệc rượu” của Platon,  
“Ca ngợi sự điên rồ” của Erasme… để ta ra)  
để kể về nguồn gốc và vận số của những  
người khổng lồ Gargantua và Pantagruel, để  
tạo nên, qua lối kể này, một thế giới lí tưởng  
mà ở đó không có sự cấm cản và đời sống  
cứ tự nó tuôn ra, hay việc ông cường điệu  
quá mức (thậm chí cả tục tĩu nữa) khi nói về  
các nhân vật của mình và những việc làm  
của các nhân vật, việc sử dụng yếu tố kì  
ảo…, tất cả đều xoay quanh việc mục đích  
khẳng định lí tưởng về sự hài hòa, tự nhiên  
và về một thế giới mới mang đầy sức sống.  
Tiểu thuyết “Don Quijoté” của Cervantès  
cũng tương tự như vậy, ở đó có nhiều điểm  
khiến người đọc nghĩ về khía cạnh giá trị  
hiện thực. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi vì so  
với “Gargantua và Pantagruel” của Rabelais,  
rõ ràng Cervantès đã loại bỏ ra khỏi tiểu  
14  
thuyết của mình những sự kiện và tình tiết có  
tính phi thực, kì ảo, tuy rằng sự cường điệu  
trong việc xây dựng hình tượng hiệp sĩ Don  
Quijoté vẫn còn. Mặt khác, trong tiểu thuyết  
này, bên cạnh Don Quijoté đắm đuối với ảo  
tưởng cứu vớt nhân loại và biến câu chuyện  
sách vở thành câu chuyện cuộc đời là nhân  
vật giám mã Sancho Pansa vô cùng thực tế  
với những toan tính và mơ ước rất đời  
thường. Tuy vậy, xét về động cơ và mục đích  
sáng tạo, Cervantès cũng như Rabelais, điều  
chủ yếu mà nhà văn này muốn nói với người  
đọc của mình là hãy từ bỏ những ảo tưởng  
viển vông, và rằng sức mạnh thực sự của con  
người nằm ở chính cuộc sống thực tiễn này.  
Việc nhân vật chính của tiểu thuyết cuối  
cùng phải chuốc lấy thất bại thì đó cũng  
không phải Cervantès muốn nêu lên vấn đề  
thân phận con người như trong các tiểu  
thuyết sau này, mà đó là sự thất bại của một  
ảo tưởng. Còn một ý nghĩa trực tiếp hơn, tác  
phẩm khiến cho người đọc có thể nhận ra  
rằng: thời thế đã thay đổi, một cấu trúc văn  
hóa khác đã ra đời và có nhiều hứa hẹn, cho  
nên văn hóa hiệp sĩ và con đẻ của nó là  
dòng văn học thanh nhã hiệp sĩ thời trung  
đại với những tác phẩm như “Tristan và  
Yseut” hay những câu chuyện chung quanh  
vị vua Arthur huyền thoại… dù sao cũng đã  
đến lúc phải nhường chỗ cho một kiểu văn  
học mới và một nền văn hóa mới, đó là một  
thời đại mà những sản phẩm sáng tạo có ý  
nghĩa như là sự thực hành một nền văn hóa  
tạo ra niềm vui, sự thú vị và đầy tinh thần  
thực tiễn. Xác định những đặc điểm đó của  
tiểu thuyết thời đại Phục hưng không có  
nghĩa là hạ thấp giá trị các sáng tác của  
Rabelais hay Cervantès mà trái lại, ta càng  
thấy rõ hơn vị trí ngọn cờ của họ trong trào  
lưu nhân văn chủ nghĩa thời đại tiền Khai  
sáng. Thực tế thì chính tiểu thuyết “Don  
Quijoté” của Cervantès được xem là một  
trong những mẫu mực của hình thức văn học  
nhại (parody) trong lịch sử văn học phương  
Tây, một hình thức văn học mà ở đó nhà văn  
dựa trên nguyên mẫu (có thể từ văn học, có  
thể từ đời sống), rồi nhào nặn, sửa đổi và  
sáng tạo lại bằng một hình thức thẩm mĩ  
khác. Các nhà văn của chủ nghĩa hiện đại và  
hậu hiện đại rồi sẽ học được rất nhiều từ  
những tác phẩm như của nhà văn vĩ đại  
người Tây Ban Nha này. Còn trong thời đại  
tiền Khai sáng, vào thế kỉ XVII, những giá  
trị lớn lao của văn học Phục hưng, trong đó  
có tiểu thuyết, sẽ được kết tinh trong tinh  
thần quay về với cái có thực, cái vốn có, tức  
là cái tự nhiên trong đời sống tâm hồn và  
tâm lí con người của chủ nghĩa cổ điển  
thông qua cuốn “Nghệ thuật thơ” của  
Boileau: hãy tôn trọng tự nhiên, “tự nhiên là  
đối tượng duy nhất của các bạn”, và “không  
được xa rời tự nhiên nửa bước”. Tự nhiên  
tức là không phải cái siêu nhiên, đó là một  
trong những nguyên tắc nghệ thuật của thế  
kỉ cổ điển, chính tư tưởng đó đã làm cho văn  
học từ thời đại Phục hưng đến thế kỉ XVIII  
trở nên có một sợi dây liền lạc với nhau.  
Trở lại với tiểu thuyết phong tục thế kỉ  
XVIII và ý nghĩa của nó đối với sự tiến hóa  
của dòng tiểu thuyết hiện thực phương Tây.  
Chủ nghĩa hiện thực (réalisme) hay  
hiện thực phê phán (theo cách gọi của  
Maxim Gorky) đạt tới trình độ cổ điển vào  
thế kỉ XIX và trở thành một hiện tượng  
văn học mang tính thế giới, có ảnh hưởng  
tới nhiều nền văn học, với những nhà văn  
bậc thầy như Honoré de Balzac, Stendhal,  
Gustave Flaubert… (của Pháp), Charles  
Dickens, Thackeray, Bronte… (của Anh),  
Wilhelm Raabe, Theodor Fontane… (của  
Đức), William Dean Howells, Mark  
Twain… (Mỹ)… Những nhà văn này, bằng  
sáng tác của mình, đã tạo ra một mô hình  
văn học có những đặc điểm riêng biệt, đó  
15  
là sự ưu tiên cho quan sát đời sống, là khả  
năng đồng hóa nội dung đời sống thành nội  
dung nghệ thuật thông qua những cách  
thức và phương tiện nghệ thuật riêng, gắn  
liền với cách nhìn và quan niệm đời sống  
và con người của cá nhân nhà văn, là khả  
năng phân tích đời sống theo quan điểm  
duy lí, đồng thời có thiên hướng mạnh mẽ  
trong thái độ phê phán đối với những mặt  
trái của đời sống... Tuy nhiên, như đã nói,  
không có một hiện tượng văn học nào, kể  
cả những hiện tượng văn học được cho là  
có ý nghĩa cách mạng nhất về phương diện  
tư duy nghệ thuật, mà lại không thông qua  
một quá trình chuẩn bị lâu dài trước khi nó  
có thể thăng hoa rực rỡ. Với quan điểm  
ấy, thể loại tiểu thuyết phong tục thế kỉ  
XVIII có thể được xem như một bước  
chuẩn bị quan trọng, có tính chất tiền đề  
trực tiếp và là một kinh nghiệm quí đối với  
chủ nghĩa hiện thực cổ điển thế kỉ XIX. Tất  
nhiên trong các tiểu thuyết phong tục tiêu  
biểu mà ta đã đề cập như “Pamela hay đức  
hạnh được đền bù” của Richardson, hay  
“Chuyện về Tom Jones, đứa trẻ bị bỏ rơi”  
của Henry Fielding, sự đề cập đến nếp  
sống trong các gia đình tư sản hay trong  
những gia đình nông thôn Anh và phần  
nào là tập tục xã hội vẫn thường đi liền với  
câu chuyện về đạo đức (và điều này với  
văn học thế kỉ XVIII là phổ biến: khai sáng  
cũng mang ý nghĩa xây dựng đời sống tâm  
hồn, đạo đức xã hội). Hơn nữa, dù đã  
chạm đến vấn đề phong tục, tập quán hay  
hoàn cảnh hiện thực của nhân vật nhưng  
các tác giả cũng chưa coi trọng vai trò của  
môi trường sống như các nhà văn hiện thực  
phong tục thế kỉ XIX (như Balzac,  
Stendhal, Dickens, Thackeray…) để rồi  
biến nó thành một khách thể thẩm mĩ. Tuy  
nhiên những đặc điểm đó không phải là  
khiếm khuyết của các nhà văn mà điều đó  
phản ánh xu hướng phổ quát của văn xuôi  
thời đại Khai sáng, một thời đại mà văn  
học đã lựa chọn trọng tâm cho mình là góp  
phần thức tỉnh lương tri và xây dựng đạo  
đức mới cho con người. Thể loại tiểu  
thuyết phong tục bởi vậy, dù thành tựu  
chưa trở thành phổ biến, nhưng đó là một  
hình thức văn học quan trọng trong quá  
trình vận động của dòng văn học theo  
khuynh hướng hiện thực. Về mặt xã hội,  
các tiểu thuyết phong tục đã nói lên được  
một thực tế quan trọng của thời đại, rằng  
đây là thời đại “con người ý thức được sự  
có mặt của mình trên thế giới với tư cách là  
một tộc loại cá thể” hết sức sâu sắc. Và về  
mặt văn học, tiểu thuyết phong tục, cũng  
có thể hiểu rộng ra là tiểu thuyết hiện thực  
thời Khai sáng, đã “mở ra khả năng nghiên  
cứu không chỉ sự phức tạp của thế giới bên  
ngoài mà cả những phức tạp của cá nhân,  
sự phong phú của nó, những xung đột,  
năng lực của nó” [Souchkov, Số phận lịch  
sử của chủ nghĩa hiện thực, Nxb Tác phẩm  
mới, tr.43]. Tiểu thuyết phong tục đã góp  
phần vào việc định hình một tư duy tiểu  
thuyết mới: thế sự hóa đối tượng thẩm mĩ  
và cách thức biểu hiện. Ý nghĩa tiền đề trực  
tiếp cho tiểu thuyết hiện thực cổ điển thế kỉ  
XIX của tiểu thuyết phong tục thế kỉ XVIII  
một phần quan trọng chính là ở điểm đó.  
16  
TÀI LIỆU THAM KHẢO  
1.  
2.  
3.  
4.  
Alexander, M. (2006), Lịch sử văn học Anh quốc, Cao Hùng Lynh dịch, Nxb  
Văn hóa -Thông tin.  
Benoit, A., Fontaine, G.… (1994), Histoire de la littérature européenne, Hachette,  
Paris.  
Carpusina, X. & Carpusin, V (2004), Mai Lý Quảng dịch, Lịch sử văn hóa thế giới,  
Nxb Thế giới.  
Darcos, X. (1997), Lịch sử văn học Pháp, Phan Quang Định dịch, Nxb Văn hóa-  
Thông tin.  
5.  
6.  
Lanson, G. (1951), Histoire de la littérature franc, aise, Librairie Hachette  
Pospelov, G.N. (1998), Dẫn luận nghiên cứu văn học, Trần Đình Sử dịch, Nxb  
Giáo dục.  
7.  
8.  
Phùng Văn Tửu (2006), Văn học Âu – Mỹ, Nxb ĐHSP Hà Nội.  
Xuskov, B. (1977), Số phận lịch sử của chủ nghĩa hiện thực, Hoàng Ngọc Hiến dịch,  
Nxb Tác phẩm mới.  
* Ngày nhận bài: 26/8/2014. Biên tập xong: 1/12/2014. Duyệt đăng: 6/12/2014  
17  
pdf 12 trang Hứa Trọng Đạt 09/01/2024 660
Bạn đang xem tài liệu "Tiểu thuyết phong tục – Thành tựu quan trọng của văn hóa và văn học thời khai sáng ở phương Tây thế kỉ XVIII", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

File đính kèm:

  • pdftieu_thuyet_phong_tuc_thanh_tuu_quan_trong_cua_van_hoa_va_va.pdf