Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động: Nghiên cứu tại Công ty TNHH Xe buýt Daewoo Việt Nam

TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA DOANH NGHIỆP ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG:  
NGHIÊN CỨU TẠI CÔNG TY TNHH XE BUÝT DAEWOO VIỆT NAM  
ThS. Nguyễn Thị Phương Loan1  
Tóm tắt: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt  
của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư, người lao động, người tiêu dùng… Trách nhiệm xã hội của doanh  
nghiệp đối với người lao động thể hiện trên các cấp độ thực hiện như trách nhiệm kinh tế, trách nhiệm pháp  
lý, trách nhiệm đạo đức và trách nhiệm từ thiện thông qua một số các biểu hiện cụ thể như: tạo việc làm, ký  
kết hợp đồng lao động, trả lương, tham gia bảo hiểm xã hội, đào tạo… Tiến hành nghiên cứu thực tiễn tại  
Công ty TNHH Xe buýt Daewoo Việt Nam để thấy được tình hình thực hiện trách nhiệm xã hội của Công ty  
đối với người lao động để từ đó đưa ra một số đề xuất đối với công ty và Nhà nước để đẩy mạnh thực hiện  
hoạt động này tại công ty nói riêng và các doanh nghiệp, tổ chức khác nói chung.  
Từ khóa: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, Trách nhiệm xã hội đối với người lao động, Xe buýt Daewoo  
Việt Nam  
Abstract: Corporate social responsibility (CSR) is one of concerns attracting great attention of governments,  
corporates, investors, employees, and consumers… CSR towards employees is shown in different layers  
including economic responsibility, legal responsibility, ethical responsibility and philanthropic responsibilty  
through specific activities as: employment creation, labor contract engagement, compensation, social  
insurance, training… Researching in Vietnam Daewoo Bus company is to find out its current implementation  
of CSR towards the employees in order to give several recommendations to both company and the  
Government to improve the performance in the company in particular and in other organizations in general.  
Keywords: Corporate social responsibility (CSR), Corporate social responsibility towards employees,  
Vietnam Daewoo Bus Company  
1. ĐẶT VẤN ĐỀ  
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là vấn đề ngày càng được quan tâm và chú trọng. Trách  
nhiệm xã hội không chỉ là những yêu cầu đặt ra đối với doanh nghiệp mà còn đóng vai trò quan  
trọng, đóng góp vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc nhận  
thức và thực hiện về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp vẫn còn thấp. Theo bà Nguyễn Thị Tuệ  
Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương: “Đa phần doanh nghiệp Việt  
Nam vẫn chưa hiểu đúng về trách nhiệm xã hội. Do không nhận thức đầy đủ, các doanh nghiệp  
thường thực hiện trách nhiệm xã hội một cách bị động, hình thức, bề nổi. Họ không chủ động tích  
1
Email: phuongloan0710@gmail.com, Học viện Tài chính.  
PHẦN 2 : QUAN HỆ LAO ĐỘNG, TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI, QUYỀN LAO ĐỘNG TRONG DOANH NGHIỆP  
339  
cực tìm kiếm cơ hội thị trường thông qua cải thiện tiêu chuẩn lao động, mà thường coi trách nhiệm  
xã hội của doanh nghiệp như gánh nặng chi phí. Đây là sai lầm lớn”. Đặc biệt, trong những năm  
qua, liên tục xảy ra các sự việc vi phạm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam nói chung  
và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động nói riêng, với thủ đoạn ngày càng  
tinh vi, bài bản; điển hình là việc nợ lương, trốn đóng bảo hiểm xã hội, sử dụng lao động trẻ em,...  
Công ty TNHH Xe buýt Daewoo là công ty 100% vốn đầu tư của nước ngoài, có trụ sở tại  
thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Công ty chuyên rắp ráp, kinh doanh, phân phối các sản phẩm  
xe khách, xe buýt trên thị trường Việt Nam và xuất khẩu. Được thành lập từ năm 2007 hơn 10 năm  
qua, công ty đã đạt được những thành tựu nhất định, khẳng định được tên tuổi và chất lượng của  
sản phẩm. Ông Nam Young Koo - Tổng giám đốc Công ty TNHH Xe buýt Daewoo Việt Nam cho  
biết: “Là một công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, chúng tôi rất quan tâm đến các chính sách,  
pháp luật của Nhà nước, các trách nhiệm xã hội của công ty nói chung, và trách nhiệm xã hội của  
công ty đối với người lao động nói riêng”.  
Mục tiêu của bài viết là đưa ra lý thuyết về thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối  
với người lao động, nghiên cứu thực trạng thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người lao động tại  
Công ty TNHH Xe buýt Daewoo Việt Nam và cuối cùng là đề xuất một số giải pháp nhằm tăng  
cường thực hiện trách nhiệm xã hội của Công ty TNHH Xe buýt Daewoo Việt Nam đối với người  
lao động. Tác giả tiến hành thu thập dữ liệu bao gồm cả dữ liệu sơ cấp và thứ cấp. Số liệu thứ cấp  
được tác giả tổng hợp tài liệu từ các sách, nghiên cứu, bài viết có liên quan đến trách nhiệm xã hội  
của doanh nghiệp, các thông kê, số liệu tại các phòng, ban của công ty TNHH Xe buýt Daewoo  
Việt Nam. Đối với số liệu sơ cấp, tác giả tiến hành sử dụng phiếu khảo sát (thang điểm 5 trong đó  
1 là không hài lòng và 5 là hài lòng nhất) cho đối tượng là người lao động của công ty để điều tra  
mức độ hài lòng của họ về việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao  
động (số phiếu phát ra: 90 phiếu, số phiếu thu về: 84 phiếu, số phiếu hợp lệ và xử lý: 82 phiếu).  
Ngoài ra, tác giả tiến hành phỏng vấn một số đối tượng tại công ty như: Tổng Giám đốc công ty,  
Trưởng phòng Hành chính – Nhân sự, Chủ tịch Công đoàn, trưởng các bộ phận…  
2. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU  
Trách nhiệm xã hội (Corporate Social Responsibility – CSR) của doanh nghiệp đã được các  
nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu từ khoảng giữa thế kỷ 20 và kể từ đó đến nay TNXH đã trở  
thành một trong những chủ đề gây nhiều tranh cãi với những bàn luận sôi nổi của các học giả, các  
nhà nghiên cứu, các chính trị gia trên toàn thế giới và trên nhiều khía cạnh. Các nghiên cứu tập  
trung chủ yếu vào các khía cạnh như: những vấn đề lý luận cơ bản về TNXH của doanh nghiệp;  
những tác động của CSR đối với các bên liên quan và những gợi ý chính sách, giải pháp thúc đẩy  
CSR của doanh nghiệp. Một số kết quả nghiên cứu tiêu biểu về những vấn đề cơ bản của TNXH  
doanh nghiệp như là Fredman Milton (1970), “The social responsibility of business is to increase  
its profit”; Carroll Archie (1999), “Corporate Social Responisbility – Evolution of a definitional  
construct”; Duane Windsor (2006), “Corporate Social Responsibility: Three key approaches”;  
Robert W.Sexty (2008), “Canadian business and society Ethics & Responsibility”. Cuốn sách này  
đã đề cập một cách khá đầy đủ các nội dung liên quan đến đạo đức kinh doanh và TNXH DN như:  
các khái niệm liên quan, tầm quan trọng của TNXH đối với doanh nghiệp, các cấp độ TNXH trong  
340  
QUẢN TRỊ NHÂN LỰC DOANH NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ VÀ CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0  
DN cũng như quy trình xây dựng và triển khai thực hiện TNXH. Đặc biệt cuốn sách đã tiếp cận  
các nội dung này thông qua các tình huống thực tế của các doanh nghiệp mà chủ yếu là các DN  
Canada để rút ra các bài học cho các nhà quản trị cũng như các doanh nghiệp trong tiến trình triển  
khai thực hiện TNXH tại doanh nghiệp mình.  
Ở Việt Nam, TNXH của doanh nghiệp là một khái niệm không “lạ lẫm” nhưng vẫn còn khá  
mới mẻ, tương đối mơ hồ với không ít chủ thể. Trách nhiệm xã hội xuất hiện và được giới thiệu  
tới Việt Nam bởi các công ty đa quốc gia có nhà máy tại Việt Nam thông qua các quy tắc ứng xử.  
Vì vậy mà số lượng các nghiên cứu về TNXH ở Việt Nam chưa nhiều. Những công trình nghiên  
cứu về TNXH ở Việt Nam chủ yếu là nghiên cứu về lý luận, về khả năng áp dụng hay thực tế triển  
khai tại một doanh nghiệp hay một ngành nhưng chủ yếu là tại ngành da giày và may mặc. Ví dụ  
như tác giả Nguyễn Đình Cung và Lưu Minh Đức (2010), “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp  
– CSR: một số vấn đề lý luận và yêu cầu đổi mới trong quản lý nhà nước đối với CSR ở Việt Nam”.  
Bài viết đã tóm tắt một số vấn đề lý luận về TNXH, các vấn đề tranh cãi xoay quanh chủ đề này,  
cũng như đã nêu ra được thực trạng hoạt động TNXH ở Việt Nam. Đồng thời các tác giả cũng nêu  
những khuyến nghị về sự cần thiết của đổi mới chính sách QLNN nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp  
Việt Nam trong thực hiện TNXH. Đề tài “Thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp chế biến  
xuất khẩu thủy sản đồng bằng sông Cửu Long” của tác giả Nguyễn Thị Minh Nhàn và các cộng sự  
(2015) đã nghiên cứu về nội dung thực hiện TNXH của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy  
sản ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và đề xuất những kiến nghị, giải pháp nhằm tăng cường thực  
hiện trách nhiệm xã hội tại các doanh nghiệp này.  
3. LÝ THUYẾT VỀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA DOANH NGHIỆP VÀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA DOANH NGHIỆP ĐỐI  
VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG  
3.1. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp  
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu từ  
khoảng giữa thế kỷ 20 và trở thành một trong những chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm, bàn luận  
của các học giả, các nhà nghiên cứu, các chính trị gia trên toàn thế giới. Với các cách tiếp cận khác  
nhau, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được hiểu theo những cách khác nhau. Theo Prakash  
& Sethi (1975), trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp hàm ý nâng hành vi của doanh nghiệp lên  
một mức phù hợp với các quy phạm, giá trị và kỳ vọng xã hội phổ biến. Archie B. Carroll (1979)  
định nghĩa: “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp bao gồm sự mong đợi của xã hội về kinh tế,  
luật pháp, đạo đức và lòng từ thiện đối với các tổ chức tại một thời điểm nhất định”. Maignan &  
Ferrell (2004) cũng đưa ra khái niệm về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: “Một doanh nghiệp  
có trách nhiệm xã hội khi quyết định và hành động của nó nhằm tạo ra và cân bằng các lợi ích khác  
nhau của những cá nhân và tổ chức liên quan”.  
Trong khi đó, tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu kinh doanh vì trách nhiệm xã hội (Business For  
Social Responsibility – BSR) cho rằng trách nhiệm xã hội được nhìn nhận bởi lãnh đạo các công  
ty nhiều hơn là một tập hợp các hoạt động riêng biệt hoặc những hành động không thường xuyên,  
các sáng kiến được thúc đẩy bởi marketing, quan hệ công chúng hoặc các lợi ích khác. Hơn thế  
nữa, nó được xem xét như là một bộ các chính sách, hành động, chương trình toàn diện xuyên suốt  
các hoạt động kinh doanh, quá trình ra quyết định được hỗ trợ và khen thưởng bởi ban lãnh đạo.  
PHẦN 2 : QUAN HỆ LAO ĐỘNG, TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI, QUYỀN LAO ĐỘNG TRONG DOANH NGHIỆP  
341  
Hội đồng doanh nghiệp thế giới vì phát triển bền vững (World Business Council for Sustainable  
Development – WBCSD) nhấn mạnh: “Trách nhiệm xã hội là cam kết liên tục của doanh nghiệp  
hành xử một cách có đạo đức và đóng góp vào sự phát triển kinh tế trong khi nâng cao chất lượng  
cuộc sống của lực lượng lao động và gia đình của họ cũng như của cộng đồng và xã hội nói chung”.  
Như vậy, dù được tiếp cận và diễn đạt theo những cách khác nhau nhưng có thể thấy rằng  
trách nhiệm xã hội thể hiện được mối quan hệ ràng buộc và mật thiết giữa những lợi ích phát triển  
riêng của từng doanh nghiệp trên cơ sở phù hợp với pháp luật hiện hành đi kèm với lợi ích phát  
triển chung của cộng đồng và xã hội.  
3.2. Nội dung trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp  
Theo cách tiếp cận cấp độ thực hiện, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được chia làm bốn  
cấp độ, bao gồm trách nhiệm kinh tế, trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm đạo đức và trách nhiệm từ  
thiện (Archie B. Carroll, 1999). Theo đó, trách nhiệm kinh tế thể hiện thông qua hoạt động tối đa hóa  
lợi nhuận, nâng cao tính cạnh tranh, hiệu quả kinh doanh và tăng trưởng. Đây là điều kiện tiên quyết  
bởi mục tiêu chính của hầu hết các doanh nghiệp, tổ chức là tìm kiếm lợi nhuận. Trách nhiệm pháp  
lý là sự cam kết của doanh nghiệp đối với xã hội, thông qua việc tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực  
đạo đức được Nhà nước ban hành trong các văn bản pháp luật. Trong khi đó, trách nhiệm đạo đức là  
những chuẩn mực, quy tắc được xã hội thừa nhận nhưng chưa được đưa vào trong các văn bản luật.  
Trên thực tế, những chuẩn mực xã hội luôn biến đổi theo thời gian và sự thay đổi về nhận thức của  
con người mà pháp luật không thể phản ánh được hết được. Vì vậy, bên cạnh việc thực hiện trách  
nhiệm pháp lý, doanh nghiệp còn cần phải thực hiện các cam kết ngoài luật, đó chính là trách nhiệm  
đạo đức. Cuối cùng, trách nhiệm từ thiện là những hành vi của doanh nghiệp vượt qua sự mong đợi  
hay kỳ vọng của xã hội như trao học bổng, quyên góp, ủng hộ… Như vậy, trách nhiệm đạo đức và  
trách nhiệm từ thiện không phải là trách nhiệm mang tính bắt buộc hay có sự ràng buộc về mặt pháp  
luật, thể hiện được sự mong đợi và kì vọng của xã hội đối với các tổ chức và doanh nghiệp.  
Theo cách tiếp cận các bên liên quan, R. Edward Freeman (1984) cho rằng các bên liên quan  
là các cá nhân/ nhóm có thể tác động/ bị tác động bởi việc hiện thực hóa sứ mệnh của một tổ chức.  
Archie B. Carroll (1989) chia các bên liên quan thành hai nhóm là nhóm bên liên quan chủ yếu (là  
những cá nhân/ tổ chức liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp trong hoạt động kinh tế và có một hợp  
đồng công khai như: cổ đông, người lao động, khách hàng, nhà cung ứng…) và các bên liên quan  
thứ yếu (là những đối tượng có quan hệ tự nguyện/ không tự nguyện với doanh nghiệp, mang tính  
đạo đức như: hiệp hội, cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ, địa phương…). Trong khi đó, Clarkson  
(1995) đề xuất hai nhóm bên liên quan là nhóm tự nguyện (có quan hệ với doanh nghiệp thông qua  
các ràng buộc và chịu một số rủi ro từ hoạt động của doanh nghiệp) và nhóm không tự nguyện (không  
có mối liên hệ nào với doanh nghiệp, nhưng cũng phải chịu rủi ro từ hoạt động của doanh nghiệp).  
“Lý thuyết bộ ba phát triển bền vững” (Triple bottom line theory – TBL) được John Elkington  
(1997) đưa vào với việc xác định ba yếu tố cốt lõi trong hoạt động của một tổ chức, bao gồm: kinh  
tế, môi trường và xã hội được biểu hiện lần lượt thông qua 3P là lợi nhuận (Profit), trái đất (Planet)  
và con người (People), tạo cơ sở thực hiện trách nhiệm xã hội và góp phần vào sự phát triển bền  
vững của một quốc gia, một tổ chức. Như vậy, sự phát triển bền vững của một quốc gia đòi hỏi sự  
tham gia và đóng góp của các doanh nghiệp thông qua chính các chương trình trách nhiệm xã hội  
của doanh nghiệp.  
342  
QUẢN TRỊ NHÂN LỰC DOANH NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ VÀ CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0  
3.3. Nội dung trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động  
Người lao động đóng vai trò quan trọng, được coi như là xương sống của bất cứ tổ chức,  
doanh nghiệp nào bởi doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động và phát triển được được nếu  
không có người lao động. Việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao  
động nhằm đảm bảo quyền cho người lao động, tạo môi trường thuận lợi cho người lao động lao  
động, làm việc và phát triển.  
Người lao động là một trong những yếu tố cơ bản trong nội dung trách nhiệm xã hội theo cách  
tiếp cận các bên liên quan (thuộc nhóm liên quan chủ yếu) và lý thuyết bộ ba phát triển bền vững  
(yếu tố con người); do vậy, để làm rõ nội dung tác động của trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp  
đối với người lao động, tác giả tiến hành sử dụng cách tiếp cận theo cấp độ thực hiện. Theo đó, nội  
dung của trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động tập trung vào bốn cấp độ  
cơ bản, từ trách nhiệm kinh tế, trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm đạo đức và trách nhiệm từ thiện.  
Bảng 1 dưới đây trình bày một số biểu hiện cụ thể nội dung trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp  
đối với người lao động theo các cấp độ khác nhau.  
Bảng 1: Một số biểu hiện cụ thể nội dung trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động theo cấp độ thực hiện  
Cấp độ thực hiện  
Biểu hiện cụ thể  
Doanh nghiệp duy trì, phát triển kinh doanh để trả lương cho người lao  
động  
Doanh nghiệp tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động  
Thực hiện ký kết hợp đồng lao động  
Thực hiện thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi  
Thực hiện thời gian làm thêm giờ  
Thực hiện trang bị bảo hộ lao động, an toàn lao động  
Thực hiện các vấn đề về lương  
Thực hiện các vấn đề về bảo hiểm xã hội  
Thực hiện các vấn đề về sức khỏe người lao động  
Thực hiện các vấn đề về Công đoàn  
Đào tạo và phát triển, nâng cao trình độ  
Mua sắm đồng phục  
Bố trí xe đưa đón  
Cung cấp chương trình chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ  
Cung cấp bữa ăn  
Thăm hỏi người lao động ốm đau, có hoàn cảnh khó khăn  
Khen hưởng lao động có sáng kiến và thành tích tốt trong lao động  
Tổ chức nghỉ hè, nghỉ mát  
Tạo cơ hội cho người lao động tham gia đóng góp ý kiến  
Cung cấp chương trình tập luyện thể thao, giải trí, văn hóa  
Xây dựng trường học cho con cán bộ, công nhân viên  
Khen thưởng cho con cán bộ có thành tích tốt trong học tập  
Nguồn: Tổng hợp của tác giả  
PHẦN 2 : QUAN HỆ LAO ĐỘNG, TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI, QUYỀN LAO ĐỘNG TRONG DOANH NGHIỆP  
343  
4. THỰC TRẠNG THỰC HIỆN TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠI CÔNG TY TNHH XE BUÝT DAEWOO  
VIỆT NAM  
4.1. Giới thiệu về Công ty TNHH Xe buýt Daewoo Việt Nam  
Công ty TNHH Xe buýt Daewoo Việt Nam là công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài, thuộc  
tập đoàn Zyle Daewoo Bus Hàn Quốc - với hơn 60 năm xây dựng và phát triển, đã trở thành một  
thương hiệu uy tín tại Hàn Quốc và nhiều nước trên thế giới. Sau hơn mười năm có mặt tại thị  
trường Việt Nam, công ty vinh dự là một trong bốn nhà sản xuất xe buýt hàng đầu Việt Nam. Hoạt  
động kinh doanh chính của công ty là lắp ráp, phân phối các dòng xe buýt, xe khách trên thị trường  
Việt Nam và xuất khẩu.  
Hình 1: Logo của Tổng công ty Zyle Daewoo Bus  
Nguồn: Công ty TNHH Xe buýt Daewoo Việt Nam  
Trụ sở chính của công ty là tại Lô CN9, Khu công nghiệp Khai Quang, phường Khai  
Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngoài ra, công ty có hai văn phòng kinh doanh tại  
Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.  
4.2. Thực trạng thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động  
4.2.1. Thực hiện trách nhiệm kinh tế của doanh nghiệp đối với người lao động  
Kết quả điều tra về độ hài lòng của người lao động về tình hình thực hiện trách nhiệm kinh tế  
của doanh nghiệp đối với người lao động tại công ty TNHH Xe buýt Daewoo Việt Nam như sau:  
Bảng 2: Đánh giá của người lao động về thực hiện trách nhiệm kinh tế  
của doanh nghiệp đối với người lao động  
STT  
Thực hiện trách nhiệm kinh tế  
Giá trị bình quân  
1
Doanh nghiệp duy trì, phát triển kinh doanh để trả lương cho người  
lao động  
4,06  
2
Doanh nghiệp tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động  
3,79  
Giá trị bình quân đánh giá mức độ hài lòng của người lao động là trên mức trung bình (4,06  
và 3,79) cho thấy người lao động của công ty có sự hài lòng nhất định với việc thực hiện thực hiện  
trách nhiệm kinh tế của công ty đối với người lao động.  
Dù vẫn gặp nhiều khó khăn, công ty luôn cố gắng duy trì, phát triển kinh doanh để trả lương  
cho người lao động. Trong 3 năm trở lại đây, ngoài việc tập trung thị trường tại hai khu vực miền  
Bắc và miền Nam, công ty còn mở rộng thị trường tại miền Trung. Công ty cũng tiến hành các cuộc  
triển lãm, giới thiệu sản phẩm mới nhằm tăng độ nhận diện thương hiệu của công ty, đồng thời ký  
kết với nhiều đối tác và tập trung vào hoạt động nghiên cứu và phát triển để tăng chất lượng sản  
344  
QUẢN TRỊ NHÂN LỰC DOANH NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ VÀ CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0  
phẩm, mở rộng và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tạo công ăn việc làm cho người  
lao động và gia tăng lợi nhuận để trả lương.  
Công ty luôn cố gắng duy trì việc làm ổn định cho người lao động. Hàng năm, công ty tạo công ăn,  
việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương và lao động tỉnh ngoài. Tuy vậy, theo bà Tạ Thị Hằng  
– Phó trưởng phòng Hành chính – Nhân sự của công ty cho biết: “Do đặc thù sản xuất, kinh doanh  
của công ty dựa trên số lượng đơn đặt hàng từ khách hàng, vậy nên, trong một số giai đoạn, do không  
có đơn hàng, nhằm giảm thiểu chi phí, công ty buộc phải cho người lao động nghỉ tại nhà nhưng vẫn  
đảm bảo hưởng mức lương 75% và không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định.  
Khi tình hình kinh tế tốt hơn, công ty sẽ liên hệ người lao động quay trở lại làm việc”. Điều đó cho thấy  
những nỗ lực nhất định của công ty nhằm đảm bảo công việc cho người lao động.  
4.2.2. Thực hiện trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp đối với người lao động  
Kết quả điều tra cho thấy nhìn chung, công ty thực hiện khá tốt trách nhiệm pháp lý của mình  
đối với người lao động (Hình 5).  
Hình 2: Đánh giá của người lao động về thực hiện trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp đối với  
người lao động tại công ty  
Thứ nhất, tình hình thực hiện ký kết hợp đồng lao động của doanh nghiệp. Người lao động  
khá hài lòng với việc thực hiện ký kết hợp đồng lao động của doanh nghiệp. Hiện tại, có ba loại  
hợp đồng lao động được công ty áp dụng là hợp đồng lao động thử việc, hợp đồng lao động có thời  
hạn (12-36 tháng) và hợp đồng lao động vô thời hạn. Công ty tiến hành ký kết hợp đồng lao động  
với tất cả các lao động của công ty, đồng thời công ty cũng chấp hành tốt quy định của Luật lao  
động về việc đảm bảo thời gian thử việc. Đối với các vị trí khác nhau, công ty tiến hành thực hiện  
thời gian thử việc khác nhau. Ví dụ, đối với các vị trí nhân viên văn phòng, kỹ sư, có trình độ đại  
học trở lên, thời gian thử việc đưa ra 2 tháng. Sau khi kết thúc thời gian thử việc, công ty tiến hành  
đánh giá và xem xét việc ký kết hợp đồng lao động. Tuy nhiên, thực trạng thực hiện tại công ty cho  
thấy, công ty vẫn để xảy ra trường hợp vi phạm về thời hạn ký kết hợp đồng lao động, điển hình là  
công ty tiến hành ký kết lớn hơn hai lần hợp đồng có thời hạn đối với người lao động.  
Thứ hai, đối với việc thực hiện thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi. Thời gian làm việc của  
công ty là 8h/ ngày (buổi sáng: 7h30-11h30, buổi chiều: 12h30-16h30), 6 ngày/ tuần (Thứ Hai –  
thứ Bảy). Người lao động của công ty có thời gian nghỉ 2 lần trong ngày, mỗi lần 15 phút (sáng:  
PHẦN 2 : QUAN HỆ LAO ĐỘNG, TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI, QUYỀN LAO ĐỘNG TRONG DOANH NGHIỆP  
345  
9h15-9h30, chiều: 2h15-2h30) và 1 ngày nghỉ trong tuần (Chủ nhật). Mỗi người lao động làm việc  
trong điều kiện bình thường có 12 ngày phép/ năm. Đối với các trường hợp làm việc trong điều  
kiện nặng nhọc độc hại (tổ Sơn, tổ Hàn), người lao động có 14 ngày phép/ năm. Cứ 5 năm, người  
lao động được hưởng thêm 1 ngày phép, được cộng vào tháng đầu tiên của năm tiếp theo. Việc  
thực hiện nghỉ lễ, Tết, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương, công ty cũng áp dụng theo quy  
định của pháp luật. Ví dụ, người lao động được nghỉ 1 ngày, hưởng nguyên lương vào ngày Quốc  
khánh (2/9). Nhìn chung, người lao động hài lòng với việc thực hiện thời gian làm việc, thời gian  
nghỉ ngơi và làm việc tại công ty.  
Thứ ba, tình hình thực hiện làm thêm giờ. Tùy vào tình hình thực tế làm việc tại công ty, công  
ty tổ chức làm thêm giờ nếu cần thiết nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện. Theo kết quả điều tra của tác  
giả, người lao động hài lòng ở mức trên trung bình đối với việc đảm bảo số giờ làm thêm với mức  
điểm bình quân là 3,50. Đây cũng là biểu hiện đạt được sự hài lòng thấp nhất của người lao động  
trong việc thực hiện trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp đối với người lao động. Kết quả này  
phù hợp với tình hình thực hiện tại công ty bởi công ty vẫn để xảy ra tình trạng làm thêm giờ liên  
tục và quá thời gian làm thêm giờ. Cụ thể, vào tháng 5/2018, số giờ tăng ca của một người lao động  
có thể lên đến 60 giờ/ tháng, trong khi tại điểm b, khoản 2, điều 106, Bộ luật Lao động 2012 quy  
định: “…số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng…”.  
Việc tăng ca liên tục ảnh hưởng không nhỏ đến trạng thái tinh thần và thể chất của người lao động.  
Thứ tư, vấn đề thực hiện an toàn trong lao động và làm việc. Công ty khá quan tâm đến việc  
thực hiện an toàn trong lao động và làm việc. Hàng năm, công ty đều cung cấp trang thiết bị bảo  
hộ cho người lao động làm việc trong xưởng sản xuất, bao gồm: quần áo bảo hộ, mũ bảo hộ, kính  
bảo hộ, giày bảo hộ, khẩu trang bảo hộ. Công ty tiến hành lắp các biển, hiệu cảnh báo nguy hiểm  
và luôn nhắc nhở người lao động chú ý khi làm việc. Theo thống kê, trong hơn 10 năm hoạt động,  
công ty chưa để xảy ra trường hợp tai nạn lao động nghiệm trọng nào gây ảnh hưởng đến tính  
mạng hay sức khỏe của người lao động. Năm 2018 ghi nhận 3 trường hợp bị dằm bay vào mắt và 1  
trường hợp bị đứt tay. Đối với các trường hợp này, bộ phận y tế của công ty ngay lập tức tiến hành  
sơ cứu và đưa đi bệnh viện (nếu cần thiết). Công ty tiến hành chi trả tất cả các chi phí liên quan  
và cho phép người lao động được nghỉ ngơi đến khi bình phục hoàn toàn. Tuy nhiên, theo kết quả  
kiểm tra của cơ quan chuyên ngành, môi trường làm việc tại xưởng lắp ráp của công ty còn chưa  
đạt chuẩn, cụ thể, chỉ tiêu về bụi và tiếng ồn đang vượt mức cho phép. Đồng thời, đánh giá về chất  
lượng của trang thiết bị bảo hộ của người lao động, đặc biệt là cho người lao động làm việc trong  
môi trường độc hai như bộ phận Sơn, người lao động chưa hoàn toàn hài lòng. Theo ông Nguyễn  
Hùng Tiến – Tổ trường tổ Sơn: “Môi trường làm việc tại tổ Sơn là được xếp vào môi trường độc  
hại. Người lao động của tổ luôn phải tiếp xúc với hóa chất, do vậy, vấn đề bảo hộ nhằm đảm bảo  
sức khỏe cho người lao động cần được đặc biệt lưu tâm, tránh các tác động lâu dài”.  
Thứ năm, các vấn đề về lương. Người lao động khá hài lòng với việc thực hiện các vấn đề về  
lương của công ty (4,16). Hàng năm, công ty tiến hành xây dựng thang, bảng lương căn cứ trên  
tình hình kinh doanh của công ty và các quy định của pháp luật liên quan đến lương tối thiểu vùng  
để đảm bảo lương của người lao động không thấp hơn lương tối thiểu vùng theo quy định của Nhà  
nước. Ngoài bảng lương cơ bản, công ty còn xây dựng bảng phụ cấp, trợ cấp cho người lao động,  
bao gồm: phụ cấp giao thông, phụ cấp điện thoại, phụ cấp bán hàng… Mức tăng lương bình quân  
346  
QUẢN TRỊ NHÂN LỰC DOANH NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ VÀ CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0  
hàng năm của công ty là khoảng 10%-15%. Năm 2018, mức lương bình quân của công nhân khối  
sản xuất là 5-7 triệu đồng/ tháng và của nhân viên, kỹ sư khối văn phòng là 8-10 triệu/ tháng. Như  
vậy, so với mức lương bình quân của người lao động trên cả nước (5,5 triệu đồng/ tháng), mức  
lương bình quân của công ty được đánh giá là khá cao. Công ty tiến hành trả lương cho người  
lao động qua thẻ ngân hàng vào mùng 7 hàng tháng. Trước khi trả lương, công ty đều phát phiếu  
lương cho người lao động để tiến hành kiểm tra và đối chiếu. Công ty luôn cố gắng đảm bảo thu  
nhập ổn định cho người lao động. Theo điều tra của tác giả, công ty chưa từng để xảy ra tình trạng  
nợ lương và chậm lương. Về tiền lương làm thêm giờ, ông Hoàng Văn Tú – Trưởng phòng Hành  
chính – Nhân sự công ty TNHH Xe buýt Daewoo cho biết: “Đối với các trường hợp làm thêm giờ,  
công ty tính tiền lương theo quy định. Ví dụ, đối với ngày thường, ít nhất bằng 150%; ngày nghỉ  
hàng tuần (chủ nhật), ít nhất 200% và ngày nghỉ lễ, ít nhất 300%...”  
Thứ sáu, các vấn đề về bảo hiểm xã hội. Công ty chấp hành tốt các quy định liên quan đến bảo  
hiểm của người lao động. Tính đến tháng 12/2018, công ty tiến hành tham gia Bảo hiểm xã hội cho  
107/113 người (7 người không tham gia bảo hiểm xã hội bao gồm: 4 người có quốc tịch Hàn Quốc,  
1 người đã hưởng lương hưu và 2 người đang trong thời gian thử việc). Vào thời điểm trước năm 2016,  
công ty căn cứ trên lương cơ bản để tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động. Khi Luật Bảo hiểm  
xã hội 2014 có hiệu lực từ 1/1/2016, công ty tiến hành đóng bảo hiểm xã hội dựa trên cả lương cơ bản  
và các khoản phụ cấp theo quy định. Công ty thực hiện nghiêm túc việc đóng bảo hiểm xã hội cho cơ  
quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, không để tình trạng nợ, thiếu tiền bảo hiểm. Tổng số tiền bảo  
hiểm công ty nộp cho cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc năm 2018 là 2,9 tỷ đồng. Những tháng  
đầu năm 2016, theo quy định của Nhà nước, công ty tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sổ Bảo hiểm  
xã hội và giao lại cho người lao động quản lý. Theo sát quá trình kiểm tra, rà soát lại sổ bảo hiểm xã hội  
của người lao động, ông Hoàng Văn Chương – ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Xe  
buýt Daewoo Việt Nam cho biết: “Công ty thực hiện tham gia và đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao  
động của công ty một cách đầy đủ, chỉ có một số trường hợp sai sót, công ty đã tiến hành liên hệ với cơ  
quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc để sửa lại”. Việc thực hiện các vấn đề liên quan đến bảo hiểm xã  
hội của công ty là một trong những biểu hiện ghi nhận được sự hài lòng của người lao động, thể hiện  
qua điểm đánh giá cao nhất trong các biểu hiện về trách nhiệm pháp lý (4,22).  
Thứ bảy, thực hiện việc kiểm tra sức khỏe định kỳ. Các lãnh đạo của công ty quan niệm rằng  
chỉ khi người lao động khỏe mạnh thì mới có thể cống hiến hết mình cho sự phát triển cho công ty.  
Công ty tiến hành khám sức khỏe định kỳ cho người lao động theo quy định của pháp luật, đối với  
làm việc trong môi trường bình thường, công ty tổ chức kiểm tra sức khỏe 1 lần/ năm (vào tháng  
10 hàng năm), đối với các lao động làm công việc nặng nhọc độc hại, công ty tiến hành kiểm tra  
sức khỏe 2 lần/ năm (vào tháng 4 và tháng 10 hàng năm). Tuy vậy, thực trạng công tác thực hiện  
cũng như các nội dung kiểm tra sức khỏe còn khá sơ sài, chưa đánh giá được tổng quát tình hình  
sức khỏe của người lao động trong công ty. Do vậy, mặc dù đã chấp hành đầy đủ các nội dung về  
khám sức khỏe cho người lao động trong doanh nghiệp, biểu hiện này vẫn chưa được đánh giá cao,  
với mức điểm trung bình là 3,95.  
Thứ tám, thực hiện các vấn đề về Công đoàn. Việc thực hiện các vấn đề về công đoàn tại công  
ty được đánh giá ở mức khá (3,83). Tổ chức Công đoàn của công ty được thành lập từ năm 2008,  
là cơ quan đại diện, là tiếng nói của người lao động. Công ty tạo điều kiện cho tất cả lao động trong  
PHẦN 2 : QUAN HỆ LAO ĐỘNG, TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI, QUYỀN LAO ĐỘNG TRONG DOANH NGHIỆP  
347  
công ty tham gia tổ chức này. Tuy các hoạt động công đoàn tại công ty chưa thực sự sôi nổi, chưa  
tạo điều kiện cho người lao động được tham gia một cách thường xuyên, liên tục cũng như chưa  
đem lại được những thay đổi lớn; trong những năm qua, tổ chức công đoàn của công ty cũng đã  
thể hiện được vai trò của mình trong một số hoạt động như tiến hành đàm phán, kí kết với công ty  
các biên bản thỏa thuận nhằm đem lại lợi ích, công bằng cho người lao động.  
4.2.3. Thực hiện trách nhiệm đạo đức và trách nhiệm từ thiện đối với người lao động  
Công ty đã thực hiện trách nhiệm đạo đức và trách nhiệm từ thiện đối với người lao động  
thông qua một số biểu hiện như: hàng năm thưởng ít nhất ½ tháng lương (dịp giữa năm) và 1 tháng  
lương (dịp cuối năm) cho tất cả lao động; cung cấp xe đưa đón cán bộ công nhân viên của công ty  
từ Hà Nội đến trụ sở của công ty tại Vĩnh Phúc; cung cấp bữa ăn trưa cho người lao động, trị giá  
mỗi bữa ăn là 20,000 đồng/ suất; tặng quà cho các cán bộ, công nhân viên nhân dịp rằm Trung thu  
với trị giá mỗi suất quà là 200.000 – 300.000 đồng/ suất; xây dựng nhà tắm và lắp đặt máy giặt tại  
nơi làm việc…  
Như vậy, công ty đã có một số biểu hiện cụ thể trong việc thực hiện trách nhiệm đạo đức và  
trách nhiệm từ thiện đối với người lao động. Tuy vậy, có thể thấy các biểu hiện này chỉ đem lại các  
tác động tức thời, có ảnh hưởng về mặt kinh tế, chưa tạo ra sự thay đổi hay có ảnh hưởng lớn đến  
đời sống, tinh thần và sự phát triển của người lao động. Trong khi đó, một số các hoạt động có tác  
động lâu dài như đào tạo và phát triển, xây dựng phong trào thi đua, sáng tạo, nâng cao thể chất,  
tinh thần hay đảm bảo về sức khỏe cho người lao động chưa được hướng đến.  
4.3. Đánh giá thực trạng thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động  
4.3.1. Thành công  
Công ty đã đạt được một số thành công trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh  
nghiệp đối với người lao động, bao gồm:  
- Công ty đã quan tâm đến việc thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người lao động, đảm bảo  
đồng thời thực hiện khá tốt và đầy đủ các trách nhiệm kinh tế và pháp lý đối với người lao động ở  
các nội dung như: tạo công ăn việc ổn định cho người lao động, đảm bảo thời gian làm việc, tham  
gia bảo hiểm xã hội đầy đủ, trả lương đúng thời hạn, đảm bảo lương tối thiểu vùng, đảm bảo an  
toàn lao động… giúp cho người lao động trong công ty an tâm công tác với đầy đủ quyền lợi như  
pháp luật quy định.  
- Công ty đã tự nguyện đưa ra và thực hiện một số trách nhiệm đạo đức và từ thiện đối với  
người lao động như: cung cấp xe đưa đón, cung cấp các bữa ăn, thưởng giữa năm và cuối năm,  
xây dựng nhà tắm… Các biểu hiện này thúc đẩy các cán bộ, công nhân viên trong công ty cố gắng  
thực hiện công việc, vì sự phát triển chung của doanh nghiệp và gia tăng mối quan hệ và sự gắn  
bó đối với công ty.  
Đạt được thành công này là trước hết là do quản lý nhà nước đối với việc TNXH của các  
doanh nghiệp có những đổi mới gắn với thị trường đã tạo điều kiện để dẫn dắt sản xuất phát triển.  
Cùng với đổi mới cơ chế quản lý là những cải cách hành chính, cải cách trong tuyên truyền vận  
động các doanh nghiệp của các cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương, địa phương và sự tham  
348  
QUẢN TRỊ NHÂN LỰC DOANH NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ VÀ CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0  
gia của các hiệp hội doanh nghiệp. Bên cạnh đó là do nhận thức rõ ràng các nhà quản trị trong công  
ty, triết lý kinh doanh và chiến lược phát triển bền vững của công ty trong mục tiêu lâu dài. Công  
ty cũng đã đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh mang lại hoạt động hiệu quả.  
4.3.2. Hạn chế  
Ngoài những thành công trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với  
người lao động, công ty còn mắc phải một số hạn chế như:  
- Việc thực hiện trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp đối với người lao động ở một số nội  
dung mới chỉ dừng lại ở việc tuân thủ quy định của pháp luật mà chưa đem lại nhiều giá trị cao,  
mang tính thực tiễn.  
- Công ty vẫn còn tồn tại vi phạm trong việc thực hiện trách nhiệm về pháp lý như quy định  
về kí kết hợp đồng lao động, thời gian làm thêm giờ, điều kiện làm việc cho người lao động.  
- Việc thực hiện trách nhiệm đạo đức và từ thiện đối với người lao động của công ty còn khá  
mờ nhạt, chưa có tác động nổi bật và lâu dài.  
Nguyên nhân của những hạn chế này có thể kể đến do (i) Hệ thống quản lý nhà nước đối với  
việc thực hiện TNXH ở các doanh nghiệp ở các cấp chưa đồng bộ, chồng chéo; năng lực cán bộ  
quản lý nhà nước còn hạn chế, hoạt động tuyên truyền, tổ chức, hỗ trợ DN thực hiện TNXH đã có  
những chuyển biến nhất định song vẫn còn nhiều hạn chế; (ii) Một số nhà quản trị trong công ty  
chưa thực sự ”tâm huyết” với việc thực hiện TNXH với người lao động, trình độ quản lý, kiến thức  
và kinh nghiệm thực hiện TNXH với người lao động còn hạn chế; (iii) Năng lực tài chính của công  
ty còn hạn chế, khó khăn trong việc tiếp cận vốn; công ty chưa có cán bộ/bộ phận chuyên trách  
thực hiện TNXH nói chung và TNXH với người lao động nói riêng.  
5. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠI CÔNG TY TNHH  
XE BUÝT DAEWOO VIỆT NAM  
5.1. Đối với Công ty TNHH Xe buýt Daewoo Việt Nam  
Một là, thực hiện nghiêm chỉnh và phát huy tính hiệu quả các nội dung trách nhiệm kinh tế,  
trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp đối với người lao động. Đối với các nội dung đã thực hiện  
đúng quy định, công ty cần tiếp tục duy trì đồng thời phát huy nhằm nâng cao giá trị và đem lại  
hiệu quả cao cho người lao động. Đối với các vi phạm như vi phạm về hợp đồng lao động, thời  
gian làm thêm giờ, vi phạm điều kiện môi trường làm việc, công ty cần loại bỏ để đảm bảo việc  
thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp đối với người lao động theo quy  
định của pháp luật.  
Hai là, mở rộng hơn nữa các trách nhiệm đạo đức và từ thiện đối với người lao động. Không  
chỉ đảm bảo quyền lợi theo quy định của pháp luật, công ty cần đảm bảo lợi ích ngày càng cao cho  
người lao động của công ty. Ngoài các nội dung được công ty thực hiện như: cung cấp xe đưa đón,  
cung cấp bữa ăn, thưởng, xây dựng nhà tắm,… công ty nên tạo cơ hội cho người lao động tham gia  
các chương trình đào tạo và phát triển năng lực; tạo điều kiện cho người lao động được tham gia,  
đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng các văn bản của công ty như nội quy lao động, thỏa ước  
lao động; xây dựng các chương trình giải trí, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và khuyến khích  
PHẦN 2 : QUAN HỆ LAO ĐỘNG, TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI, QUYỀN LAO ĐỘNG TRONG DOANH NGHIỆP  
349  
người lao động tham gia để tăng cường sức khỏe tinh thần và thể chất; triển khai các chương trình  
tôn vinh, trao thưởng cho lao động giỏi, lao động có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng  
suất lao động để đẩy mạnh tính sáng tạo trong đội ngũ người lao động. Ngoài ra, công ty có thể cân  
nhắc đến việc xây dựng các gói phúc lợi tự nguyện như: xây dựng khu nhà ở cho người lao động;  
cung cấp các chương trình dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, bảo hiểm nhân thọ cho bản thân  
người lao động và gia đình…  
Ba là, thành lập đội chuyên trách về thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với  
người lao động. Để đảm bảo đúng và đầy đủ trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh  
nghiệp đối với người lao động, việc thành lập mội đội chuyên trách về thực hiện trách nhiệm xã  
hội của doanh nghiệp đối với người lao động là cần thiết, trong đó cần có sự có mặt của đại diện  
ban giám đốc, đại diện công đoàn, đại diện một số bộ phận chức năng như kế toán, nhân sự, sản  
xuất… Theo đó, đội chuyên trách này sẽ hoạt động như một bộ phận thanh tra, kiểm tra nội bộ, có  
trách nhiệm kiểm soát và điều chỉnh các hành vi, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao  
động, đảm bảo việc thực hiện diễn ra nhất quán, đúng quy định của pháp luật.  
5.2. Đối với Nhà nước  
Một là, tiến hành tuyên truyền, nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp  
đối với người lao động. Nhà nước cần nâng cao nhận thức của các đối tượng liên quan như doanh  
nghiệp, người lao động, người tiêu dùng… để họ hiểu được nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc  
thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người lao động cũng như vai trò của việc thực hiện đối với sự  
phát triển chung của doanh nghiệp và toàn xã hội. Nhà nước có thể sử dụng các hình thức tuyên  
truyền như: thông qua các phương tiện truyền thông, đại chúng; thông qua các buổi hội thảo, tiếp  
xúc doanh nghiệp…  
Hai là, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối  
với người lao động. Để đảm bảo việc thực hiện đúng các trách nhiệm kinh tế và pháp lý của doanh  
nghiệp đối với người lao động, Nhà nước cần thanh tra, kiểm tra một cách thường xuyên, có chất  
lượng để có thể kiểm tra tình hình thực hiện, phát hiện các sai sót, đồng thời hướng dẫn cách thức  
thức hiện để tránh việc doanh nghiệp thực hiện sai, vi phạm các quy định của Nhà nước.  
Ba là, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với  
người lao động. Nhằm thúc đẩy việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người  
lao động, Nhà nước nên xem xét và đưa ra các chính sách, khen thưởng, khuyến khích như vinh  
danh, trao quà, tặng giấy khen… cho các doanh nghiệp thực hiện tốt để các doanh nghiệp phấn đấu  
trong việc cải thiện các điều kiện làm việc, đời sống, tinh thần… cho người lao động.  
Bốn là, xây dựng chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm thực hiện  
trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động. Thực trạng cho thấy, hiện nay vẫn  
còn tồn tại nhiều công ty, doanh nghiệp vi phạm thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người lao  
động; tình trạng nợ lương, trốn đóng bảo hiểm xã hội, sử dụng lao động trẻ em… vẫn thường  
xuyên xảy ra. Do vậy, để nâng cao việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với  
người lao động, Nhà nước cần xây dựng chế tài xử phạt nghiêm minh để hạn chế các trường hợp  
vi phạm.  
350  
QUẢN TRỊ NHÂN LỰC DOANH NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ VÀ CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0  
6. KẾT LUẬN  
Thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là vô cùng cần thiết, có ý nghĩa quan trọng  
đối với cả doanh nghiệp và xã hội bởi nó không chỉ dừng lại ở việc chấp hành các quy định, pháp  
luật của Nhà nước mà còn rộng hơn, ở cả việc thực hiện trách nhiệm đạo đức và trách nhiệm từ  
thiện. Thúc đẩy thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nói chung và thực hiện trách nhiệm  
xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động nói riêng đòi hỏi sự đóng góp của cả doanh nghiệp  
và Nhà nước, vì sự phát triển bền vững của toàn xã hội.  
Tài liệu tham khảo  
[1] Archie B. Carroll (1975), A three-dimensional conceptual model of Corporate Performance, Academy of  
Management, Vol. 4 (4), 497-505.  
[2] Archie B. Carroll (1989), Business & Society: Ethics & Stakeholder Management, South-Western Publishing.  
[3] Archie B. Carroll (1999), Corporate social responsibility: evolution of a definitional construct, Business &  
Society, Vol.38 (3), 268-295.  
[4] Max B. E. Clarkson (1995), A stakeholder Framework for Analyzing and Evaluating Corporate Social  
Performance, The Academy of Management Review, Vol. 20 (1), 92-117.  
[5] John Elkington (1997), Cannibals with Forks: The triple bottom line of 21st Century business, Capstone  
Publishing.  
[6] Maignan & Ferrel (2004), Corporate social responsibility and marketing: An integrative framework, Journal of  
the Academay of Marketing Science, Vol. 32 (1), 3-19.  
[7] R. Edward Freeman, et al. (2010), Stakeholder theory: the State of the art, Cambridge University.  
[8] R. Edward Freeman, Jeffrey Harrison, &Andrew Wicks (2007), Managing for Stakeholders: survival, reputation,  
and success, Yale University.  
[9] Prakash & Sethi (1975), Dimensions of Corporate Social Performance: An analytical framework, California  
Management Review, Vol. 17 (3), 58-64.  
[10] World Business Council for Sustainable Development (1999), Corporate social responsibility: Meeting changing  
expectations, World Business Council for Sustainable Development, 3.  
[11] Nguyễn Đình Cung, Lưu Minh Đức (2010), Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp – CSR: Một số vấn đề lý luận  
và yêu cầu đổi mới Nhà nước với CSR ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.  
[12] Nguyễn Thị Minh Nhàn (2015), Thực hiện trách nhiệm xã hội tại các doanh nghiệp chế biến, xuất nhập khẩu  
thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long, Đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ mã số B2013-07-08.  
pdf 13 trang baolam 12/05/2022 3620
Bạn đang xem tài liệu "Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động: Nghiên cứu tại Công ty TNHH Xe buýt Daewoo Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

File đính kèm:

  • pdftrach_nhiem_xa_hoi_cua_doanh_nghiep_doi_voi_nguoi_lao_dong_n.pdf