Ngôn ngữ và chính trị: Các bàn thảo về quốc văn của Phạm Quỳnh trên Nam Phong tạp chí

TẠP CHÍ KHOA HỌC - SỐ 43/2020  
5
NGÔN NGỮ VÀ CHÍNH TRỊ: CÁC BÀN THẢO VỀ QUỐC VĂN  
CỦA PHẠM QUỲNH TRÊN NAM PHONG TẠP CHÍ  
Nguyễn Thị Kim Nhạn  
Trường trung học phổ thông Vinschool  
Tóm tắt: Bài viết phác thảo bối cảnh lịch sử của những thảo luận của Phạm Quỳnh trên  
Nam phong tạp chí, từ đó làm rõ vị trí của quốc ngữ trong mối quan hệ với vấn đề quốc  
học mà Phạm Quỳnh coi đây là tâm điểm trong dựa án văn hóa của mình; đồng thời chỉ ra  
được mối liên hệ giữa ngôn ngữ với vận mệnh đất nước và tầm quan trọng của việc phải  
giữ gìn vốn tiếng nói của dân tộc trong dự án chính trị của ông.  
Từ khóa: Phạm Quỳnh, quốc ngữ, quốc văn, quốc học, chính trị.  
Nhận bài ngày 10.7.2020; gửi phản biện, chỉnh sửa và duyệt đăng ngày 25.8.2020  
Liên hệ tác giả: Nguyễn Thị Kim Nhạn; Email: kimnhannv@gmail.com  
1. ĐẶT VẤN ĐỀ  
Đầu thế kỉ XX, trong tình thế thuộc địa, cùng với các vấn đề như kinh tế, chính trị, xã  
hội,… thì ngôn ngữ là vấn đề nhận được sự quan tâm rất lớn của giới trí thức, từ nhiều nền  
tảng học vấn, địa vị xã hội và xu hướng chính trị khác nhau. Vấn đề quốc ngữ khởi tạo và  
song hành với vấn đề quốc học tạo nên những tranh luận trái chiều, là chỉ dấu rõ nét cho diễn  
trình lịch sử ngôn ngữ, đời sống văn hóa mà trong đó, những động cơ và ý chí khác nhau đã  
tham gia vào việc thương thảo, từ đó đi đến chung cục, cái gì là cái được cổ xúy và lựa chọn.  
Trong các học giả thời đó, Phạm Quỳnh là người tham gia tích cực vào diễn đàn quốc văn,  
quốc học, thậm chí, như ông nhấn mạnh, đó là vấn đề quan thiết nhất, trở đi trở lại trong toàn  
bộ sự nghiệp trước thuật, ngôn luận của ông. Trong bài viết này, chúng tôi phác dựng lại bối  
cảnh của vấn đề quốc ngữ, xem xét những chủ ý và quan niệm của Phạm Quỳnh, cuối cùng,  
đặt quốc ngữ trong tổng thể dự án dân tộc của ông để thấy tính chính trị của vấn đề trong  
hình dung của một học giả tự đặt mình vào vị trí giao thời.  
2. NỘI DUNG  
2.1. Bối cảnh của vấn đề quốc ngữ  
Từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ và từng bước thực thi những chính sách thuộc địa  
lên cõi nước Nam thì toàn bộ nền tảng văn hóa, kinh tế, chính trị,... của Việt Nam đứng trước  
những thử thách to lớn. Từ những vấn đề nhỏ nhất của đời sống thế tục cho đến những vấn  
TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI  
6
đề thuộc tầm vĩ mô, câu hỏi được đặt ra ở thời điểm này: Có thể hành động/ suy nghĩ như cũ  
được không? Từ mái tóc, hàm răng, cách ăn mặc cho đến phương tiện đi lại, phương tiện  
kiếm sống và ngay đến cả phương tiện ghi chép/giao tiếp cũng liên tục bị chất vấn và buộc  
người Việt Nam phải đứng trước những lựa chọn, giữa cũ và mới, nương theo cha ông hàng  
mấy mươi thế kỉ hay hướng theo xu thế của một xã hội đang chuyển mình hiện đại hóa. Quả  
thực, đối diện với vấn đề chữ viết, người Việt hai thập niên đầu thế kỉ XX đứng trước nhiều  
sự lựa chọn, và lựa chọn nào cũng gặp phải những nan đề. Chữ Hán, cuốn rốn nối Việt Nam  
với sinh thể văn minh Trung Hoa, chuyên chở văn hiến của cha ông trong suốt nghìn năm  
nay bị coi là tác nhân nô dịch tư duy của nho sĩ trong từ chương khoa cử, là nguyên nhân  
khiến nước nhà tụt hậu. Quốc ngữ, thứ chữ ghi âm tiếng Việt bằng kí tự Latin, có lợi thế dễ  
đọc, dễ viết, nhưng lại quá non trẻ; còn tiếng Pháp, phương tiện chuyên chở văn minh phương  
Tây lại đồng thời là tiếng nói của kẻ ngoại xâm. Trong bối cảnh đó, ngôn ngữ đã được đưa  
ra bàn thảo một cách đầy thận trọng nhưng cũng thật sôi nổi, đặc biệt từ những năm 1904-  
1905 với các yếu nhân trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Đi xa hơn hẳn thế hệ trí thức  
của Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, thế hệ đồng nhất tất cả những gì ngoại lai với dã tâm  
xâm lược của thực dân Pháp, đầu thế kỉ XX là thời điểm diễn ra những sự thay đổi lớn lao,  
căn bản trong nhận thức xã hội. Các trí thức nho giáo nhìn ra lợi thế của quốc ngữ trong việc  
truyền bá tư tưởng mới, đưa dân quốc thoát khỏi vòng nô dịch, kìm kẹp của Nho giáo, tránh  
xa ảnh hưởng xấu của lối học từ chương khoa cử, mở mang tầm mắt, từ đó xác lập hành vi  
mới, thói quen mới để cạnh tranh sinh tồn được với thời đại.  
Cho đến năm 1917, thời điểm Nam phong tạp chí được thành lập và Phạm Quỳnh làm  
chủ bút, vấn đề quốc ngữ dù không còn là vấn đề quá mới mẻ nhưng lại một lần nữa được  
đưa ra bàn luận, nhất là sau khi chính quyền thực dân ban bố Học chính tổng quy (Règlement  
général de l'Instruction publique) [Toàn quyền Albert Sarraut ký ngày 21.12.1917]. Đây là  
văn bản làm nền móng cho hệ thống giáo dục toàn Đông Dương, theo đó quy định việc học  
Pháp ngữ như một yêu cầu bắt buộc ở mọi cấp học (cấp tiểu học [Pháp văn: 12 giờ/ tuần,  
Hán văn: 1 giờ1/2 – không có quốc ngữ], cấp trung học [Pháp văn: 271/2 giờ, cả Hán văn và  
quốc ngữ: 3 giờ]). Sự phân bổ bất cân xứng đó cho thấy ý chí mạnh mẽ của nhà cầm quyền  
trong việc coi tiếng Pháp là ngôn ngữ thống trị, đánh bạt văn tự, tiếng nói bản địa, từ đó tạo  
ra lớp người mới, lớp người thụ hưởng nền văn hóa Pháp một cách bài bản. Điều này đã gây  
phản ứng dữ dội từ phía các nhà cựu học muốn vãn hồi chữ Hán, đồng thời nhân đấy cũng  
dấy lên ý chí muốn dùng tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính thức ở An Nam của một cộng đồng  
Tây học, nhất là trong Nam kì. Chính trong bối cảnh đó, vấn đề quốc ngữ lại nổi lên, và lần  
này, vì có các diễn đàn báo chí tiếng Việt, nên nó được bàn thảo rộng khắp. Ở tâm điểm của  
những tranh luận đó, Phạm Quỳnh, với tư cách là chủ bút của một tờ báo lớn [do người Pháp  
lập ra], là công chức của chính quyền thuộc địa, đã đối diện thế nào với vấn đề quốc ngữ,  
khi một mặt ông phải thừa hành phổ biến Học chính tổng quy, cổ súy cho chính sách giáo  
dục của nhà nước bảo hộ, mặt khác, trong tư cách một trí thức bản địa, ông thể hiện chủ ý  
riêng của mình như thế nào. Điều gì tạo nên dấu ấn của Phạm Quỳnh khi bàn thảo về vấn đề  
ngôn ngữ, và, điều rất quan trọng nữa, quốc ngữ có vai trò gì trong chiến lược văn hóa, chiến  
TẠP CHÍ KHOA HỌC - SỐ 43/2020  
7
lược chính trị của ông để ông phải trở đi trở lại trong suốt hành trình làm văn làm báo của  
mình. Tất cả những điều đó sẽ được giải đáp trong phần thứ 2 và 3 của bài viết, hé lộ cho  
thấy quốc ngữ là một giao điểm hội tụ của rất nhiều ý hướng.  
2.2.Vấn đề quốc ngữ trong dự án văn hóa của Phạm Quỳnh  
Khảo trên Nam phong tạp chí có thể thấy, Phạm Quỳnh lưu tâm đến vấn đề quốc ngữ  
rất sớm. Ngay từ số 2 (tháng 8/1917) của tạp chí, ông đã công bố bài viết Văn quốc ngữ. Đây  
là một trong những bài viết quan trọng bậc nhất của ông, không chỉ bởi nó thể hiện mối lưu  
tâm sấu sắc của học giả đến vấn đề quốc ngữ mà còn hội tụ các cách hình dung của Phạm  
Quỳnh về vấn đề này.  
“Cái vấn đề quan trọng nhất trong nước ta ngày nay là cái vấn đề về văn quốc ngữ. Cái  
vấn đề ấy có giải quyết được thì sự học mới có thể tấn tới, dân trí mới có thể mở mang, cuộc  
tiến hóa sau này mới có thể mong mỏi được. Đến ngày chữ quốc ngữ dùng làm quốc văn  
được, thì người nước Nam mới có thể thâu nhật các khoa học mới mà gây thành một nền học  
thích hợp phù hợp với trình độ, với tính cách dân ta [...] Nói rút lại, văn quốc ngữ có phát  
đạt thì nền quốc học mới gây đựng được, mối tư tưởng mới mở mang được, quốc dân mới  
không đến nỗi chung kiếp đi học mướn viết nhờ như từ xưa đến nay vậy”1.  
Đoạn trích trên cho ta thấy nhiều điều. Thứ nhất, Phạm Quỳnh biểu lộ sự cổ vũ quốc  
ngữ [quốc văn] làm ngôn ngữ chính thức cho người Việt, và coi vấn đề quốc ngữ là “vấn đề  
quan trọng nhất” của đất nước trong tình thế hiện thời. Theo ông: “Cái vấn đề ấy có giải  
quyết được thì sự học mới có thể tấn tới, dân trí mới có thể mở mang, cuộc tiến hóa sau này  
mới có thể mong mỏi được”. Ý tưởng coi quốc ngữ là khí cụ để tuyên truyền, giáo dục quốc  
dân ở Phạm Quỳnh gợi nhớ đến khẩu hiệu Chấn hưng dân trí mà các nhà Nho duy tân đã  
giương lên trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Không chỉ tiếp nối mạch tư duy của các  
bậc chí sĩ đó, Phạm Quỳnh đi xa hơn khi ông đặt quốc ngữ nằm trong mối lưu tâm quốc học.  
Như thế, mưu cầu của Phạm Quỳnh không chỉ dừng lại ở việc cổ vũ quốc dân mở mang tầm  
mắt, thay đổi hành vi, suy nghĩ, mà là mong muốn vun trồng cho nền học thuật, cho cái học  
mới, cái học được tạo nên bởi các ngành “khoa học mới”, bồi đắp trí tuệ của người An Nam.  
Coi quốc ngữ như một công cụ để vun đắp nền quốc học, từ đây, vấn đề quốc văn, quốc học  
luôn song hàng với nhau trong các bàn thảo của Phạm Quỳnh về một dự án văn hóa mới cho  
người Việt trong bối cảnh dịch chuyển giá trị, đi từ tầm ảnh hưởng Hán học sang tiếp thụ  
các giá trị phương Tây.  
Trong nhiều văn bản khác, Phạm Quỳnh nhấn đi nhấn lại vai trò nền móng của quốc  
ngữ trong việc gây dựng nền văn hóa nước nhà: “Có một điều quan hệ nhất, là tiếng nói. Cái  
khí cụ để gây dựng văn hóa, cái cơ quan để truyền bá văn hóa, là tiếng nói”2, “Tôi thiết nghĩ  
muốn cho nước nhà được tiến bộ thì phải gây lấy cái khí cụ để tuyên truyền giáo dục. Cái  
khí cụ để tuyên truyền giáo dục là ngôn ngữ văn tự trong nước. Bởi thế nên trong mười lăm  
1 Phạm Quỳnh: “Văn quốc ngữ”, Nam phong tạp chí, số 2 (tháng 8/1917), tr.77.  
2 Phạm Quỳnh: “Chủ nghĩa quốc gia”, Nam phong tạp chí, số 101 (tháng 12/1925), tr.404.  
TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI  
8
năm nay, tôi không một việc gì khác cả, chỉ cúc cung tận tụy về một việc, là cổ động cho  
quốc văn, gây dựng cho quốc văn thành một nền văn chương đích đáng, có thể dùng làm cái  
lợi khí để truyền bá văn minh trong nước”1. Những ý nghĩ này cộng hưởng với các trí thức  
đương thời. Cũng trên Nam Phong, Dương Quảng Hàm viết: “Tiếng nói là một cái cơ quan  
rất quan hệ cho sự phát đạt một dân một nước. Tiếng nói có đủ, có hay, có phân minh nhất  
định, thì mới mong có phần mở mang nhất định được”2. Có thể nói, đến thời điểm của Phạm  
Quỳnh, nhu cầu dùng quốc ngữ không còn được đặt ra cấp thiết với ý nghĩa là thứ chữ giúp  
xóa bỏ sự mê muội của nền Nho học suy tàn như thời điểm 1904-1905 mà với Phạm Quỳnh,  
một học giả xuất thân từ Viện Viễn đông Bác Cổ, nó được đặt ra trong nhu cầu quan thiết  
phải xây đắp một nền văn hiến, nền học vấn mới của dân tộc. Chính ở đích đến này, quốc  
ngữ sẽ là phương tiện, là cơ sở, nền tảng quan trọng nhất để từ đó xây đắp nên nền quốc học  
cho người Việt, bồi đắp tư tưởng con người nước Nam mới.  
Ở đây, một câu hỏi đặt ra là, chúng ta vẫn có thể xây dựng nền văn hóa từ Hán văn hoặc  
Pháp văn, vì cớ gì Phạm Quỳnh luôn coi quốc ngữ là yếu tố tiên quyết để gây dựng? Câu trả  
lời nằm trong chính đoạn văn vừa nêu, khi Phạm Quỳnh quả quyết rằng: “Nói rút lại, văn  
quốc ngữ có phát đạt thì nền quốc học mới gây đựng được, mối tư tưởng mới mở mang được,  
quốc dân mới không đến nỗi chung kiếp đi học mướn viết nhờ [người viết nhấn mạnh] như  
từ xưa đến nay vậy”. Câu văn hé lộ cho thấy ám ảnh “đi học mướn viết nhờ” là một ám ảnh  
có thật, và điều này được Phạm Quỳnh nhắc đến nhiều lần trong các bài viết của mình: “Tôi  
đây cũng là nhiệt thành thương tiếng nước nhà, lâu nay đã tự nguyện hi sinh một đời để gây  
dựng cho cái tiếng ấy thành văn chương, cho nước ta có một nền quốc văn đứng riêng ra một  
cõi, cho người mình khỏi cái cực đi học mướn viết nhờ3. Rõ ràng ở đây có một niềm tự ái,  
nói lên sĩ diện quốc thể, tự tôn văn hóa, và tiếng Việt chính là điều kiện tiên quyết để đất  
nước có thể độc lập, tự chủ về mặt văn hóa. Trong bài viết Chủ nghĩa quốc gia, ông đã bộc  
lộ trực tiếp mối liên hệ giữa ngôn ngữ và nhu cầu độc lập văn hóa của thế hệ mình: “Mỗi  
nước có một thứ tiếng riêng, đặc biệt với các thức tiếng khác, và tiêu biểu được cái tinh thần  
cố hữu của nước ấy dân ấy. Nước ta cũng có một cái “quốc ngữ” của ta, mà cái “quốc ngữ”  
ấy cũng chẳng phải nghèo ngặt xấu xa gì. Ta phải trân trọng mà giữ gìn lấy, gia công mà bồi  
bổ thêm, và phải nhớ luôn rằng: tiếng là nước, tiếng còn thì nước còn, tiếng mất thì nước  
mất, mà mất đó mới thật là mất hẳn, không sao vãn hồi được nữa. Cho nên cả vấn đề văn  
hóa nước ta có thể rút lại là vấn đề quốc văn, “quốc ngữ” vậy4.  
Tựu chung lại, quốc ngữ là nền tảng để hình thành nên một nền quốc học mới. Đây chính  
là trọng tâm trong dự án văn hóa của Phạm Quỳnh. Nền học mới đó là để dành cho người  
Việt, được gây dựng nên từ tiếng Việt. Do vậy, nhà văn luôn trăn trở về việc làm giàu cho  
vốn tiếng Việt để tiếng nói của cha ông có thể đạt tới trình độ có thể là văn tự của quốc gia.  
1 Phạm Quỳnh: “Cảnh cáo học phiệt (trả lời ông Phan Khôi)”. Nam phong tạp chí số 152 (tháng 7/ 1930), tr.13.  
2 Dương Quảng Hàm: “Bàn về tiếng Annam”, Nam phong tạp chí, số 22/ tháng 4/1919. Tr.287.  
3 Phạm Quỳnh: “Bàn về sự dùng chữ Nho trong văn quốc ngữ”, Nam phong tạp chí, số 20 (tháng 2/1919), tr.97.  
4 Phạm Quỳnh: “Chủ nghĩa quốc gia”. Nam phong tạp chí, số 101 (tháng 12/1925), tr. 404.  
TẠP CHÍ KHOA HỌC - SỐ 43/2020  
9
2.3. Đề án điều hòa tân cựu trong phát triển quốc ngữ  
Vậy thì, đứng trước thứ chữ có lịch sử non trẻ và mới chỉ được thực hành rộng rãi trong  
dân chúng mấy chục năm tính đến thời điểm 1917, Phạm Quỳnh đã chủ trương gì để nâng  
cao khả năng diễn đạt và sự giàu có của quốc ngữ? Khảo các bài trên Nam phong tạp chí, có  
thể thấy Phạm Quỳnh rất trăn trở về vấn đề điều hòa tân - cựu, dung hòa vốn tiếng Hán, tiếng  
Pháp vào chữ quốc ngữ.  
Đối với Hán tự, Phạm Quỳnh cho rằng không thể đoạn tuyệt hẳn với cổ học. Ông luôn  
khẳng định ích lợi của nền Hán học: “Cái học cổ điển ấy có ích lợi cho nhân cách người ta  
nhiều lắm. Nên tiếng Pháp gọi cái học cổ điển là “les humanlités”, nghĩa là cái học làm nên  
người, làm cho người văn vẻ, khôn ngoan, tốt đẹp ra. Ở nước ta thời cái học cổ điển ấy là  
Nho học, là hán học [...]. Như thế thời Hán học là trọng mà không thể bỏ được. Trước kia ta  
mê man về đường ấy quá, hiếu cổ quá mà thành ra quên cả đời nay, cho nên mới đễn nỗi  
chậm bước trên con đường tiến hóa. Ngày nay ta đã tỉnh ngộ ra rồi mà quyết theo về đường  
học mới. Song cũng không nên quá mê mới mà quên hẳn cũ. Phải nên giữ lấy cái học căn  
cốt trong nước”1. Những dòng trên được ông viết ngay khi bộ Học chính tổng quy được ban  
hành, theo đó, Hán văn sẽ được học trong nhà trường Pháp - Việt với thời lượng rất ít ỏi.  
Trong bối cảnh đó, việc thẳng thắn nhận chân giá trị của Hán học như một “cái học cổ điển”  
[giống như người phương Tây học chữ Latin] của Phạm Quỳnh giống như một tiếng nói góp  
bàn, mang tính phản biện lại với chính sách của nhà cầm quyền. Coi Nho học là cái học “làm  
nên người, làm cho người ta văn vẻ, khôn ngoan, tốt đẹp ra” là một cách nghĩ chịu ảnh hưởng  
sâu sắc của khổng giáo, khi hệ hình tri thức này đặt ra những quy tắc để tu thân, giáo hóa  
con người theo chuẩn mực Nho giáo. Nhìn ở góc độ rộng lớn hơn, Phạm Quỳnh coi Hán học  
là cái học “căn cốt” của dân tộc, như thế tức là ông đã nhìn nó như một yếu tố gốc rễ, một  
tác nhân có vai trò kiến tạo nên nền văn hiến nước nhà.  
Đối với Pháp văn, Phạm Quỳnh công khai bày tỏ niềm ngưỡng mộ của mình trong tư  
cách một người hấp thụ tinh hoa văn hóa Pháp: “Chữ Pháp là một thứ văn tự cao thượng”,  
song ông vẫn coi đó như thứ chữ của người ngoại quốc: “Người Pháp là người Pháp, tôi vẫn  
là tôi. Tôi càng đọc sách Pháp, càng cảm thấy những lời lẽ hay của các bậc đại nhân quân tử  
bên nước Pháp, tôi lại càng nhận thức được cái bản ngã của tôi, càng muốn gắng sức tài bồi  
cho nó được phát đạt nảy nở ra”2. Trước quan điểm cổ súy dùng tiếng Pháp làm ngôn ngữ  
quốc gia của một bộ phận trí thức Tây học Nam kì, Phạm Quỳnh khẳng định: “Quốc văn của  
một dân một nước là cái tiếng gốc trong nước ấy dân ấy, thì đã gọi là chữ nước Pháp không  
thể gọi là văn nước Nam được3”. Ở đây, chúng ta thấy tiếng nói chính là biểu hiện của sự đề  
kháng văn hóa và tự tôn dân tộc.  
1 Phạm Quỳnh: “Cái vấn đề giáo dục ở nước Nam ta ngày nay: bàn về bộ “Học chính tổng quy”, Nam phong  
tạp chí số 12 (tháng 6/1918), tr. 341.  
2 Phạm Quỳnh: “Quốc học với chính trị”. Nam phong tạp chí, số 165 (tháng 8/1931), tr.107.  
3 Phạm Quỳnh: “Chữ Pháp có dùng làm quốc văn An Nam được không”, Nam phong tạp chí số 22 (tháng  
4/1919), tr.279.  
TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI  
10  
Tựu chung lại, với Phạm Quỳnh, Pháp văn quan trọng bởi nó là con đường để tiếp thu  
tư tưởng tiến bộ châu Âu, Hán văn cũng quan trọng bởi nó là chuyên chở di sản văn hóa của  
cha ông. Nhưng lựa chọn quốc ngữ bởi nó là tiếng nói của giống nòi. Tiếng nói ấy được cha  
ông sử dụng hàng ngày, nhưng nó vẫn được cho là những lời nôm na mách qué ở chốn thôn  
quê, ít được dùng để thể hiện học thuật tư tưởng, cho nên để quốc ngữ có thể trở thành quốc  
văn cần rất nhiều công sức bồi đắp. Và chính ở điểm này, Phạm Quỳnh đã đưa ra chiến lược  
thâu nhận tinh hoa của cổ văn và Pháp ngữ: “Hai cái tinh thần ấy [hán văn và pháp văn] hòa  
trộn với nhau, bổ lẫn cho nhau, nhờ đó mà không bao lâu quốc văn ta thành được, gồm cả  
cái tinh hoa của Âu - Á”1. Hòa trộn, bổ lẫn cho nhau như thế nào, trong bài viết Văn quốc  
ngữ, ông cụ thể hóa: “Nhà tây học thì phỏng cái lối thuyết lí tả thực của Âu châu mà vụ cho  
nhời Nôm được rõ ràng thiết thực, trọng phép trực tiếp hơn phép gián tiếp. Nhà nho học thì  
theo cái lối từ chương biền ngẫu của văn tàu mà luyện cho nhời nôm được chải chuốt nghiêm  
trang, dùng phép gián tiếp hơn phép trực tiếp. Hai lối điều hòa với nhau [người viết nhấn  
mạnh] thì quốc văn cũng đủ tư cách mà ứng đối trong trường ngôn luận, kết cấu trong cõi  
văn chương”2. Chủ trương điều hòa tinh thần của cả Hán văn và Pháp ngữ nhất quán một  
cách kì lạ với chủ trương Thổ nạp Âu – Á, điều hòa tân – cựu mà Nam phong coi làm tôn  
chỉ, và cũng là điều cốt lõi trong dự án văn hóa của Phạm Quỳnh: “Thế giới ngày nay không  
chỉ có một văn hóa của Đông Á, lại còn có văn hóa của tây âu nữa, mà văn hóa này lại có  
sức cương cường lấn loát rất mạnh. Muốn sinh tồn ở đời nay, không thể không châm chước  
mà noi theo. Thành ra cái vấn đề văn hóa ở nước ta thực là có hai phương diện, một phương  
diện thâu thái, một phương diện bảo tồn, hai cái công phu đó phải điều hòa làm sao cho ta  
vừa giữ được cái cốt cách tinh thần cũ, mà lại vừa thâu được cái học thuật tri thức mới”3.  
Quan điểm trên đây của Phạm Quỳnh rất tiêu biểu cho giai đoạn bản lề của văn hóa Việt  
Nam khi tiếp xúc với phương Tây, nó thể hiện tính nước đôi trong những dự thảo văn hóa  
của người Việt khi một mặt, họ nhận ra sự tụt hậu, tù túng của nền học cũ và muốn tiếp thu  
tinh hoa của nền văn hóa phương Tây, mặt khác, họ lại luôn khắc khoải về cái căn tính văn  
hóa của mình trước sự lấn lướt của phong trào Âu hóa. Chính trong bối cảnh đó, hai phương  
diện “bảo tồn”, “thâu thái” mà Phạm Quỳnh cổ súy không nên hiểu là sự thỏa hiệp giữa hai  
thái cực, mà là nỗ lực để dung hòa, vừa tiếp nối, bảo lưu, vừa mở mang, tiến tới.  
2.4. Vấn đề quốc ngữ trong dự án dân tộc của Phạm Quỳnh  
Trên kia chúng tôi đã xem xét vấn đề quốc ngữ trong tổng thể dựa án văn hóa của Phạm  
Quỳnh. Tuy vậy, vấn đề quốc ngữ không chỉ dừng lại ở cấp độ văn hóa. Nó có liên đến với  
vấn đề chính trị rất rõ nét. Đối với một nhà văn làm chính trị như Phạm Quỳnh, ngôn ngữ  
chính là yếu tố cốt lõi trong chủ nghĩa quốc gia của ông. Ta hãy trở lại thời điểm trước đó,  
thời điểm của các nhà nho chí sĩ trong phong trao Duy tân, Đông Kinh nghĩa thục, để thấy  
quốc ngữ đã được đặt ra như một khí giới để tuyên truyền cách mạng. Giữa bối cảnh mất  
1 Phạm Quỳnh: “Tiếng Annam cần hợp nhất ko”, Nam phong tạp chí số 18 (tháng 12/1918), tr. 323.  
2 Phạm Quỳnh: “Văn quốc ngữ”, Nam phong tạp chí số 2 (tháng 8/1917).  
3 Phạm Quỳnh: “Chủ nghĩa quốc gia”. Nam phong tạp chí, số 101 (tháng 12/1925), tr.77.  
TẠP CHÍ KHOA HỌC - SỐ 43/2020  
11  
nước nhà tan, giữa cảnh suy tàn cùng cực của nền Nho học, thế hệ nho sĩ này nhìn thấy ở  
quốc ngữ giá trị mang tính biểu tượng: hồn nước. Trong bài Bài hát khuyên học chữ quốc  
ngữ, tác giả [được cho là của] Trần Quý Cáp viết:  
Chữ quốc ngữ là hồn trong nước  
Phải đem ra tính trước dân ta  
Sách các nước, sách Chi Na  
Chữ nào nghĩa ấy dịch ra tỏ tường...  
Tiếp nối ý tưởng quốc ngữ là “hồn trong nước” đó, Phạm Quỳnh đã nhiều lần nhấn mạnh  
đến giá trị biểu tượng của quốc ngữ, coi đó như là sự hiện hữu của hồn nước qua mấy ngàn  
năm vẫn tường tồn trước âm mưu đồng hóa của kẻ ngoại xâm. Đẩy ý tưởng đó đi xa hơn các  
chí sĩ, ông cho rằng dân tộc có trường tồn hay không, tương lai hay dở thế nào đều phụ thuộc  
vào sự phát triển của quốc ngữ, quốc ngữ là vận mệnh, là mạch nguồn nhưng cũng là chiều  
kích, là bảo chứng cho một dân tộc. Điều này đã được Phạm Quỳnh bộc lộ qua rất nhiều bài  
viết. Ta hãy xem xét đoạn văn sau, nơi ông phát biểu trọn vẹn nhất quan điểm đó:  
“Nước sống về tiếng nói, tiếng nói còn nước không thể mất được, tiếng nói đã mất nước  
cũng khó lòng còn. Người ta thường nói cái gì làm nên một nước, tức là cái “quốc hồn”,  
nhưng quốc hồn là một mối siêu hình, nghĩa là một vật mắt không trông thấy, tai không nghe  
thấy, phảng phất, mập mờ, không biết lấy gì làm bằng cứ. Quốc hồn phải có cách gì diễn  
xuất, biểu lộ ra ngoài thì mới đủ làm nguồn gốc cho sự sinh hoạt một dân một nước. Cách  
ấy, tức là quốc âm vậy. Quốc âm là gì? Quốc âm là tiếng thiên nhiên của một giống người,  
chỉ có giống ấy mới nói được và có nói bằng tiếng ấy mới hiểu được hết cái tâm tình; hình  
như tạo vật sinh ra một giống người khiến cho cái lưỡi nó uốn ra một cách riêng mà thành ra  
một giọng riêng, cái óc nó nghĩ ra một cách riêng mà thành ra một lời riêng, giọng ấy lời ấy  
người giống khác tuyệt nhiên không thể nào theo cho hết được. Vậy thời quốc âm là cái mối  
đặc biệt một giống người với các giống khác, đã là cái mối đặc biệt thời tất là chỉ riêng cho  
một giống người, đã riêng cho một giống người thời tất là biểu được hết cái tâm hồn của một  
giống ấy, không có lẫn với giống khác. Cho nên quốc âm tức là cái biểu hiện tự nhiên của  
quốc hồn. Quốc hồn phát hiện ra trong quốc âm, từ lời ca dao chất thật đến giọng diễn thuyết  
hùng hồn. Muốn biết tính tình một giống người, không gì bằng nghe những giọng hát câu ca  
trong dân gian: mẹ ru con, vợ khóc chồng, ấy mới thật là cái tiếng thiên nhiên của một giống,  
tự trong tâm khảm mà ra”1.  
Đoạn trích trên đã tỏ rõ cho ta thấy logic của vấn đề tiếng nói dân tộc. Theo Phạm  
Quỳnh, tiếng nói chính là cái biểu hiện rõ ràng nhất, sống động nhất và cũng sâu xa nhất của  
giống nòi, để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Một dân tộc còn tiếng nói, dân tộc đó  
còn căn cước của mình, và căn cước vẫn còn thì mới chứng thực được là dân tộc ấy tồn tại:  
“Có quốc âm mới có quốc hồn, có quốc hồn thì nước mới sống được”2.  
1 Phạm Quỳnh: “Chữ Pháp có dùng làm quốc văn An Nam được không”, Nam phong tạp chí, số 22 (tháng  
2/1919), tr.28.  
22 Nt, tr.286.  
TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI  
12  
Trong nhiều bài viết, ông tiếp tục nhấn mạnh mối liên hệ giữa ngôn ngữ mẹ đẻ và vận  
mệnh đất nước: “chữ quốc ngữ là cái bè lau cứu vớt ta trong bể trầm luân vậy1; “Xin đồng  
bào ta chớ nhãng bỏ, chớ khinh rẻ văn quốc ngữ. Cái tương lai ta ở đó”2. Như thế, quốc ngữ  
là cứu cánh của cả dân tộc trên đường tiến hóa. Chính vì lẽ đó, Phạm Quỳnh tôn xưng Truyện  
Kiều như cuốn kinh của người Việt khi tác phẩm này đã nói hết được tâm tình của người  
Việt Nam, và hơn hết, những tâm tình ấy lại được thể hiện bằng sự trác tuyệt của ngôn ngữ  
tiếng Việt. Câu nói “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn” chính là biểu  
hiện rõ nhất của sự tôn sùng ấy, đằng sau nó ẩn dấu mối liên hệ sâu sắc giữa ngôn ngữ và  
căn tính. Vậy thì, quốc ngữ thực sự đứng ở đâu trong chủ nghĩa quốc gia của Phạm Quỳnh?  
Trong bài viết Quốc học với chính trị, Phạm Quỳnh nhấn mạnh: “Nay quốc học với quốc  
văn là hai cái nguyên tố thiết yếu của quốc gia”3. Quốc văn làm nền tảng cho quốc học, quốc  
học bồi bổ về đường tinh thần cho quốc dân: “Bởi thế nên ta thiết tha về vấn để quốc học, là  
ta muốn mưa cách độc lập về tinh thần, muốn giữ lấy cái cốt cách Việt Nam của ta, không  
để cho nó đồng hóa theo người mất. Vì một nước một dân đã đến mất cả cốt cách tinh thần  
thì không còn mong thành lập được nữa”4. Đến đây, ta hiểu vì sao Phạm Quỳnh trăn trở  
nhiều đến vấn đề quốc văn, bởi quốc văn sẽ làm nền tảng cho sự độc lập về mặt tinh thần  
của người Việt. Đằng sau mưu cầu độc lập tinh thần, khẳng định bản sắc văn hóa, là một chủ  
ý tạo ra sức đề kháng văn hóa đối với phong trào Âu hóa đang nhen lên và ảnh hưởng sâu  
đậm đến thế hệ thanh niên ở các đô thị Việt Nam thời đó. Chính tầm quan trọng đó khiến  
quốc ngữ hiện diện như một yếu tố then chốt trong dự án chính trị của ông.  
Theo ông, vấn đề quốc văn chính là một trong hai vấn đề rất quan trọng của chủ nghĩa  
quốc gia mà ông đề xướng và tôn thờ: “việc cải cách tinh thần và việc cải cách chính trị”,  
“việc cải cách tinh thần là gồm ở vấn đề quốc học; việc cải cách về chính trị là gồm ở vấn  
đề lập hiến”. Ông trình bày cặn kẽ hơn: “Về đường tinh thần phải gây lấy một nền quốc học  
xứng đáng, về đường chính trị phải ban bố một cái hiến pháp phân minh. Quốc học là để bồi  
bổ cốt cách tinh thần trong nước, hiến pháp là để định rõ về quyền chính trị trong nước, hai  
đàng đều là để tổ chức lấy một cuộc đời quốc gia (vie nationale) cho có hệ thống”5. Và để  
gây lấy nền học thuật độc lập mang cốt cách người Việt hòng mong bảo tồn quốc túy, thì chỉ  
có chủ trương bảo hộ mới có thể là bệ đỡ cho dự án văn hóa ấy: “Bảo hộ là công nhận rằng  
nước Nam hãy còn, chỉ vì chưa đủ tư cách độc lập ở cái thế giới cạnh tranh này, nên phải  
nấp bóng dưới một cường quốc, nhờ che chở dạy bảo cho, càng ngày càng khôn lớn lên thì  
cái quyền giám đốc càng nới rộng ra, cho đến khi có thể tự lập một mình được thì quyền ấy  
sẽ chỉ là một cái quyền cao xa, cốt để bênh vực đối với ngoài, chứ không cần phải can thiệp  
gì mấy đến cuộc sinh hoạt trong nước nữa. Thủy chung cái danh hiệu của nước Nam, cái thể  
1 Nt, tr.77.  
2 Phạm Quỳnh: “Cái vấn đề giáo dục ở nước Nam ta ngày nay: bàn về bộ “Họ chính tổng quy”, Nam phong  
tạp chí, số 12 (tháng 6/1918), tr.80.  
3 Phạm Quỳnh: “Quốc học với chính trị”. Nam phong tạp chí, số 165 (tháng 8/1931), tr.108.  
4 Nt, tr.107.  
5 Nt, tr.110.  
TẠP CHÍ KHOA HỌC - SỐ 43/2020  
13  
thống của nước Nam vẫn còn. Nước còn thì mới mong có quốc học được, cái lẽ đó rõ ràng,  
ai cũng hiểu vậy”1.  
Như vậy, có thể thấy, Phạm Quỳnh đã đề ra một chương trình thống nhất khi đề xướng  
chủ nghĩa quốc gia, ở đó, ông dùng quốc văn để gây dựng nền quốc học, một mặt để bồi bổ  
văn hóa tinh thần cho người An Nam, mặt khác tạo ra sức đề kháng văn hóa giữa buổi mưa  
Âu gió Mĩ, tất cả nhằm đảm bảo cho sự trường tồn “cái thể thống của nước Nam”. Bằng  
những gì thể hiện qua các bàn thảo về vấn đề quốc ngữ trên Nam phong tạp chí, có thể nhận  
thấy toàn bộ chính trị của Phạm Quỳnh “Chính trị lấy quốc gia Nam Việt làm bản vị”2, và ở  
đó, ngôn ngữ tiếng Việt là vấn đề then chốt trong dự án dân tộc của ông.  
3. KẾT LUẬN  
Với tất cả những gì đã trình bày, có thể thấy quốc ngữ đã hiện diện và là thành tố quan  
trọng bậc nhất trong dự án văn hóa, Phạm Quỳnh - người đã suốt đời phụng sự cho sự tiến  
hóa của tiếng nước Nam. Trước sau, Phạm Quỳnh cổ vũ cho việc dùng quốc ngữ để gây  
dựng nền văn hóa mới, trong đó ông lưu tâm đặc biệt đến việc tạo dựng nền học thuật riêng  
cho người nước Nam. Quốc ngữ còn là thành tố cốt yếu thể hiện niềm tự tôn dân tộc. Bảo vệ  
và cổ súy quốc ngữ nằm trong một loạt những hành động bảo tồn quốc túy, quốc hồn trong  
dựa án dân tộc của ông.  
TÀI LIỆU THAM KHẢO  
1. Nam phong tạp chí (các số trích dẫn đã ghi trong bài).  
2. Phạm Quỳnh (2007), Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932, Nxb Tri thức,  
Hà Nội.  
3. Phạm Quỳnh (2018), Thượng Chi văn tập, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.  
4. Nhiều tác giả (1999), Luận về quốc học. Nxb Đà Nẵng - Trung tâm nghiên cứu Quốc học, Đà Nẵng.  
LANGUAGE AND POLITICS: PHAM QUYNH’S DISCUSSIONS  
ABOUT NATIONAL LANGUAGE ON NAM PHONG TAP CHI  
Abstract: The article describles the historical background of Pham Quynh’s discussions  
published on Nam phong tap chi, thus highlingting the role of Quốc ngữ in relation to  
national studies which have been regarded by Pham Quynh as a crucial topic in his cultural  
project. Beshide, the article aims to depect the correlation between Vietnamese and the  
destiny of the nation, as well as the important of preserving one’s the mother tongue in his  
political project.  
Key words: Phạm Quỳnh, Vietnamese, national language, national studies.  
1 Nt, tr.111.  
2 Phạm Quỳnh: “Quốc học với chính trị”. Nam phong tạp chí, số 165 (tháng 8/1931), tr.111.  
pdf 9 trang baolam 13/05/2022 3060
Bạn đang xem tài liệu "Ngôn ngữ và chính trị: Các bàn thảo về quốc văn của Phạm Quỳnh trên Nam Phong tạp chí", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

File đính kèm:

  • pdfngon_ngu_va_chinh_tri_cac_ban_thao_ve_quoc_van_cua_pham_quyn.pdf