Từ và thuật ngữ chưa đúng

94  
Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (159) . 2020  
TRAO ĐỔI  
TỪ VÀ THUẬT NGỮ CHƯA ĐÚNG  
Bùi Bắc*  
Trên truyền thông ngày nay, ta rất dễ bắt gặp những trường hợp sử dụng từ,  
thuật ngữ không đúng với nghĩa cần diễn đạt. Tuy nhiên tôi sẽ không bàn đến những  
lỗi của từng cá nhân hoặc những lỗi quá hiển nhiên, nhiều người có thể nhận ra là  
sai. Trong bài này tôi chỉ nêu lên những lỗi khó nhận ra hơn, đang được sử dụng  
rộng rãi, rất nhiều người mắc, thậm chí có những từ qua mắt hầu như tất cả chúng  
ta. Những từ tôi nêu ra dưới đây cũng là do tôi phát hiện vì chưa thấy ai nói đến.  
1. Đa dạng sinh học  
Thuật ngữ này trong tiếng Anh là “biodiversity”mà định nghĩa của Từ điển  
Oxford là “the existence of a ladge number of different kinds of animals and plants  
which make balanced environment” (Sự có mặt của một số lượng lớn các động vật  
và thực vật mà tạo nên một môi trường cân bằng). Theo định nghĩa này thì phải gọi  
làđa dạng sinh vật chứ không phải đa dạng sinh học.  
Tươngt,WikipediatiếngAnhviết:Biodiversityisthevarietyandvariability  
of life on Earth. Biodiversity is typically a measure of variation at the genetic,  
species and ecosystem level”, nghĩa là: “Đa dạng sinh vật là sự đa dạng và tính  
biến đổi của sự sống trên Trái đất”. Định nghĩa chỉ đơn thuần là sự đa dạng, biến  
đổi của sự sống trên Trái Đất như: động vật, thực vật, nấm, vi sinh vật. Câu tiếp  
theo: “Đa dạng sinh vật thường được đánh giá bởi các cấp độ đa dạng di truyền,  
loài và hệ sinh thái” là nói về các cách đánh giá đa dạng sinh vật.  
Thuật ngữ Đa dạng sinh vật cũng như khái niệm về nó, cũng như các định  
nghĩa về “biodiversity”là đã rõ ràng và có thể hiểu được, còn Đa dạng sinh học là  
một cụm từ trừu tượng, khó hình dung nên khó tìm ra được khái niệm đúng nghĩa.  
Trong khi đó, Wikipedia tiếng Việt viết: “Đa dạng sinh học là sự nhiều dạng  
của các loài và của các biến dị di truyền của mọi sinh vật, cũng như sự nhiều dạng  
của các cấp độ tổ chức sinh giới, nhất là các dạng hệ sinh thái ở mọi môi trường  
trên Trái Đất”.  
Đối chiếu với định nghĩa “biodiversity” của Wikipedia tiếng Anh, tôi cho  
rằng Wikipedia tiếng Việt trích nội dung từ hai câu trong bản tiếng Anh nhưng diễn  
đạt lại, có xô lệch ý đi một chút, làm cho phức tạp và khó hiểu hơn để phù hợp với  
*
Hà Nội.  
Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (159) . 2020  
95  
thuật ngữ Đa dạng sinh học. Trong bản tiếng Anh, câu thứ nhất là định nghĩa, trả  
lời cho câu hỏi “Đa dạng sinh vật” là gì. Câu thứ hai không phải định nghĩa mà giải  
thích cho câu hỏi “Đa dạng sinh vật” thường được xác định như thế nào. Wikipedia  
tiếng Việt lại dùng ý của câu thứ hai trong bản tiếngAnh làm định nghĩa và diễn đạt  
khác đi là “Đa dạng sinh học = sự nhiều dạng của các loài + nhiều dạng của biến  
dị di truyền + nhiều dạng các cấp độ tổ chức sinh giới”.  
Tôi sẽ không bàn về đúng sai của định nghĩa này, việc đó xin dành cho các  
nhà sinh học, tôi chỉ bàn khía cạnh ngôn ngữ. Kể cả nó đúng đi nữa thì cả ba cái:  
loài, biến dị, tổ chức sinh giới đều là của sinh vật nên đa dạng của chúng cũng là  
đa dạng của sinh vật.  
Do vậy, khi nghe “Đa dạng sinh học của đảo Cát Bà”, hay “Đa dạng sinh học  
của núi Bà Đen”… tôi cho rằng là không phù hợp. Bởi, trên rừng thì chỉ có sinh  
vật (cây và con) thôi, chứ không thể gọi là sinh học.  
Có lẽ người đầu tiên đề xuất sử dụng hoặc dịch thành thuật ngữ Đa dạng sinh  
học đã căn cứ vào thuật ngữ tiếng Anh “biological diversity”và đinh ninh rằng  
“biological”chỉ có thể dịch là sinh học. Không phải vậy, “biological powder” là  
bột giặt làm từ thực vật nên vẫn phải dịch là bột giặt thực vật, chứ không phải bột  
giặt sinh học! Theo tôi thì khi đặt ra, hoặc dịch một thuật ngữ, nên căn cứ vào định  
nghĩa của chính thuật ngữ đó thay vì suy nghĩ về ý nghĩa của từ đó trong tiếng nước  
ngoài vì một từ có thể có nhiều nghĩa.  
2. Động vật có vú  
Thú là “động vật có xương sống bậc cao, có lông mao, tuyến vú, nuôi con  
bằng sữa”. Đó là định nghĩa mục từ thú trong các Từ điển Tiếng Việt của Viện  
Ngôn ngữ (tất cả các năm xuất bản đều định nghĩa như vậy). Các từ điển Tiếng Việt  
khác và Hán Việt cũng định nghĩa đại loại như vậy. Tóm lại, tên của nhóm động vật  
này là thú, một trong những đặc tính của chúng là có vú.  
Trong những thập niên qua, tôi thấy trong sách vở, trên báo chí thay vì dùng  
từ thú, rất thường gặp người ta gọi là động vật có vú. Tên của chúng đã quá gọn  
gàng, hợp lý thì không dùng, đi dùng một cụm từ dài dòng, lỉnh kỉnh, vô duyên, mất  
thì giờ, tốn giấy, dù không có gì sai! Tại sao lại có hiện tượng này? Tôi cho rằng  
từng có những dịch giả mà trình độ Tiếng Việt hơi non, khi dịch từ mlekopitaiusyi  
của tiếng Nga đã dịch nguyên nghĩa của từ này ra Tiếng Việt và biên tập viên lại  
cũng không khá hơn về trình độ Tiếng Việt nên đã để nguyên. Hậu quả là cứ thế  
bắt chước nhau, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tác hại của việc này ngoài chuyện  
mất thì giờ, tốn giấy mực còn làm tổn hại cho Tiếng Việt về thẩm mỹ và làm nhiều  
người quên dần ý nghĩa của từ thú, đi đến hiểu sai ý nghĩa của từ này: đã không ít  
người gọi con rết, con bạch tuộc, con trăn… là thú (!)  
96  
Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (159) . 2020  
3. Đương đại  
Là từ được dùng vô cùng rộng rãi trên nửa thế kỷ nay, có thể nói là tần số  
xuất hiện hàng đầu trên báo, tạp chí, sách, phát thanh, truyền hình. Các Từ điển  
Tiếng Việt định nghĩa đương đại là “thuộc về thời đại hiện nay”. Cách đây gần 50  
năm, tôi đã làm một cuộc khảo sát nho nhỏ trong các bạn bè đồng nghiệp, kết quả  
là những ai được hỏi đều hiểu đương đại là thời đại đang diễn ra bây giờ, rất gần  
đây, cụ thể là những gì xảy ra chỉ trong khoảng 10 - 15 năm đến nay. Thực ra có  
phải vậy không?  
Đương đại dĩ nhiên là một từ Hán Việt (phụ trước chính sau). Vấn đề là  
đương trong tiếng Hán lại không đồng nghĩa với đương (= đang) trong Tiếng Việt.  
Đương của Tiếng Việt bổ nghĩa cho động từ hoặc tính từ: đang ăn, đang ngủ, đang  
đi học, đang yên đang lành… hàm ý sự việc đang diễn ra tại thời điểm người nói  
đến, hoặc tính chất ứng với thời điểm người nói. Còn trong tiếng Hán: đương đạo  
(giữa đường), đương thì (giữa độ tuổi xuân xanh đầy sức sống), đương nhiệm  
(trong thời gian đảm nhiệm), đương sự, nhà đương cục… đều bổ nghĩa cho danh  
từ và không phụ thuộc vào thời điểm người đề cập đến.  
Ngoài ra ta đều biết thời cổ đại, trung đại kéo dài hàng nghìn năm, cận đại,  
hiện đại cũng phải cả trăm năm. Còn đương đại, thời đại gì mà lại cho là đang diễn  
ra, mươi, mười lăm năm! Lại nữa, đối với lịch sử, văn học, nghệ thuật, đã gọi là  
thời đại thì phải có những đặc trưng lớn như cổ đại đặc trưng bởi chế độ cộng sản  
nguyên thủy và chiếm hữu nô lệ, trung đại đặc trưng bởi chế độ phong kiến, còn  
đương đại, có 10 - 15 năm thì đặc trưng bởi cái gì đây?  
Đương đại trước hết phải hiểu là thời đại đó, hàm ý là cái thời đại mà câu  
chuyện đang đề cập đến, có thể đó là thời đại đang diễn ra bây giờ, mà cũng có thể  
là thời đại đã qua rồi. Đó là nghĩa đầu tiên của từ đương đại trong tiếng Hán.  
Một người Trung Quốc còn cho tôi biết thêm, sau khi nước Cộng hòa Nhân  
dân Trung Hoa ra đời, tại nước này người ta gọi giai đoạn (lịch sử, văn học nghệ  
thuật) tính từ Cách mạng Tân Hợi năm 1911 là hiện đại. Còn giai đoạn, xin nhấn  
mạnh là chỉ dành cho lịch sử, văn học nghệ thuật, tính từ năm 1949, khi Đảng Cộng  
sản bắt đầu lãnh đạo toàn lục địa Trung Hoa, thì gọi là đương đại với hàm ý thời đại  
này của họ: kỷ nguyên của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Họ cho đây mới là hiện đại  
đích thực. Người này cũng cho biết, nghĩa này, hiện nay (thời điểm tôi hỏi ở thế kỷ  
trước) tại Trung Quốc hầu như không dùng nữa.  
Như vậy từ đương đại, khi được du nhập từ tiếng Hán sang nước ta đã được  
sử dụng vô cùng rộng rãi nhưng lại hiểu theo một nghĩa khác do nhầm lẫn, tưởng  
nghĩa từ đương trong tiếng Hán cũng như trong Tiếng Việt (!).  
Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (159) . 2020  
97  
Trong Tiếng Việt, đương đại được dùng và hiểu là ngày nay, hiện nay, thời  
nay, bây giờ chứ không phải là một thời đại nào đó. Tức là nghe kêu hơn, oách hơn,  
nhưng không phải là nghĩa thật của từ này.  
4. Chính kiến  
Chính kiến là một từ Hán Việt, nghĩa là quan điểm chính trị. Đó là những  
quan điểm lớn về chính trị, ý thức hệ. Thí dụ: “Dương Thu Hương là một nhà văn  
bất đồng chính kiến”. Điều đó có nghĩa là bà ấy không tán thành chế độ một Đảng  
với sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản, không tán thành chủ nghĩa xã hội,  
ủng hộ đa nguyên, đa đảng, tam quyền phân lập. Nhưng ngày nay, nhiều nhà văn  
nhà báo lại hiểu và dùng từ chính kiến là ý kiến một vấn đề nào đó không liên  
quan đến chính trị. Họ nghĩ chính là từ đối lập của phụ chứ không phải là chính  
trị. Chẳng hạn: “Tại cuộc họp của Hội nông dân, vấn đề trồng cấy gì, nuôi con gì,  
được bàn luận sôi nổi, mỗi người một chính kiến, không ai chịu ai!” Trong những  
trường hợp không thuộc về ý thức hệ, ta nên dùng từ ý kiến, chủ kiến. Mặc dù về  
chữ Hán, chữ chính trong chính trị và chữ chính đối lập với phụ cũng là một chữ  
nhưng từ lâu, chính kiến vẫn được xem là quan điểm chính trị.  
Dẫn chứng: “Hàng triệu chính kiến bày tỏ sự không tán đồng với mức án mà  
Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Tuy Hòa đã đề xuất”. (Dân trí).  
5. Khoa học viễn tưởng  
Có nhiều cách định nghĩa về thể loại này, nếu muốn đi sâu, ta có thể vào  
mạng. Tuy nhiên, nghĩa hiển ngôn của từ ghép khoa học viễn tưởng (KHVT) trong  
Tiếng Việt là một truyện khoa học, được tưởng tượng ra, xảy ra trong một tương  
lai xa xôi. Tệ hại hơn, rất nhiều người Việt Nam, kể cả một số người có tên tuổi,  
lại hiểu viễn tưởng là ý tưởng, tư tưởng về tương lai, cho rằng, KHVT là dự báo  
về tương lai của khoa học, là mô tả xã hội tương lai văn minh, thịnh vượng nhờ  
có khoa học phát triển. Căn cứ vào mặt chữ mà nghĩ như vậy, tôi nghĩ, cũng là  
chuyện bình thường. Tại một cuộc họp do một nhà xuất bản tổ chức về đề tài này  
vào cuối những năm bảy mươi, tôi thấy nhiều tác giả được mời họp phát biểu cho  
rằng KHVT là dự báo khoa học tương lai, họ còn cả quyết các nhà văn KHVT là  
những nhà dự báo khoa học.  
Thực tế không phải vậy. Qua tìm hiểu sâu, tìm đọc nhiều, hóa ra cái mà ta  
gọi KHVT lại không chỉ có viết về tương lai mà có thể lấy bối cảnh xã hội đương  
thời của chính tác giả, thậm chí có những truyện lấy bối cảnh thời cổ đạị. Tôi còn  
nhớ đã đọc một truyện thể loại này của Pháp nói về người ngoài hành tinh du hành  
trên đĩa bay tới Trái Đất chúng ta và tiếp xúc với những bộ lạc nguyên thủy cách  
đây nhiều nghìn năm.  
98  
Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (159) . 2020  
Đọc, nghiền ngẫm nhiều về thể loại này tôi thấy yếu tố khoa học chỉ là cái cớ  
để dẫn truyện hoặc là cái điểm xuất phát, còn lại, tất cả đều là văn học: nhân vật,  
mâu thuẫn, kịch tính, chủ đề tư tưởng, lý tưởng nhân văn… cả hồn lẫn cốt đều là  
văn học. Khoa học chỉ là phương tiện để tạo ra những khung cảnh xa lạ ly kỳ để  
tăng sức hấp dẫn, tính lãng mạn của tác phẩm. Ở nhiều nước người ta xếp KHVT  
làm một thể loại gần với truyện phiêu lưu, thậm chí có người còn xếp chung cả hai  
thể loại này vào một rọ.  
Xét về chữ nghĩa thì sao? Thể loại này trong tiếng Nga là Nauchnayia  
fantastica, tiếng Anh là science fiction dịch chính xác ra là tưởng tượng khoa học,  
giả tưởng khoa học, trong đó giả tưởng là chính, tính từ khoa học bổ nghĩa cho  
danh từ giả tưởng.  
Tôi tin chắc rằng từ KHVT lần đầu tiên vào Tiếng Việt đã đi qua con đường  
dịch thuật. Và các dịch giả của ta, vốn có xu hướng tô đẹp, đánh bóng cho sản  
phẩm dịch thuật, dẫn đến sai lệch nghĩa của từ gốc.  
Đáng tiếc là độ sai lệch này đã dẫn đến một kỷ niệm buồn trong đời biên tập  
của tôi. Cách đây 45 năm, tôi trình Tổng biên tập (TBT) để duyệt truyện KHVT  
“Bột mỳ vĩnh cửu” mà tôi cho là rất hay, của tác giả A. Belayev, do dịch giả tài  
năng Lê Khánh Trường thực hiện. Đọc xong, TBT phân vân, đã đưa cho tất cả các  
biên tập viên trong Nhà xuất bản đọc để lấy ý kiến. Ý kiến đại loại: KHVT sao lại  
thế này! KHVT sao lại thế kia! Rồi lập trường giai cấp nữa. Có ý kiến cho rằng  
phát minh khoa học mà đem lại thảm họa như này thì không nên dùng(!), nghĩa là  
không nên ra sách. Có thể số người ủng hộ vẫn là đa số nhưng tâm lý của một ông  
TBT thời những năm 70 nghe vài ý kiến phản bác như vậy đủ hãi rồi và kết quả là  
sách không ra được. Mãi hơn 20 năm sau, khi xu thế đổi mới “cởi trói”, tác phẩm  
mới được xuất bản và ngày nay các bạn có thể tìm đọc nó để biết.  
Thể loại này trước năm 1975 trong Nam gọi là khoa học giả tưởng. Theo tôi  
gọi thế là đúng. Tuy nhiên, để nhấn mạnh hơn cái giả tưởng là chính, khoa học  
là bổ nghĩa cho giả tưởng như bản chất của các tác phẩm, theo tôi ta nên gọi là  
(truyện, phim) giả tưởng khoa học. Tôi cho đó là phương án tối ưu.  
6. Kẻ biến thái  
Thường được báo chí dùng để chỉ loại người quá sa đọa, bất chấp luân thường  
đạo lý. Nghĩa thật của từ biến thái hầu như không phải vậy. Nghĩa gốc của chữ  
thái trong tiếng Hán là tình trạng bề ngoài. Thí dụ trứng sâu nở ra con sâu, sâu lột  
thành nhộng, nhộng phát triển thành bướm là sự biến thái của hầu hết các loài côn  
trùng. Tuy nhiên đó chỉ là trạng thái ở một độ tuổi thôi chứ bản chất ADN của loài  
sâu đó chỉ là một. Những người dùng từ kẻ biến thái lại ngụ ý bề ngoài vẫn là con  
Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (159) . 2020  
99  
người nhưng bản chất thì là cầm thú. Điều này ngược lại với hiện tượng biến thái  
của côn trùng. Qua đó, người đọc dần dần hiểu sai bản chất của một từ. Tất nhiên  
dùng mãi thì người nghe và người nói cũng hiểu nhau, chỉ hiềm là dần dà sẽ hiểu  
sai nghĩa từ biến thái.  
7. Kình ngư  
Thường được báo chí dùng để ví người bơi giỏi. Cụ thể là cô Ánh Viên rất  
hay được gọi là kình ngư. Thực ra kình ngư chỉ đơn giản có nghĩa là con cá voi. Cá  
voi là nhóm động vật to nhất hành tinh mà khi nghĩ đến người ta hình dung ngay về  
kích cỡ, ít ai nghĩ chúng bơi nhanh nhất. Dĩ nhiên là với kích thước có thể trên 30m  
thì bơi phải khá nhanh nhưng không ai xem đó là đặc điểm chính cả. Tôi có thử tra  
cứu trên Google tìm 10 loài cá bơi nhanh nhất thì không thấy Cá voi trong số đó.  
8. Lớp  
Ngày nay trên truyền thông rất hay gặp các cụm từ “tàu ngầm lớp kilo”,  
“chiến hạm lớp kilo”. Trong tiếng Anh, Nga, và một số tiếng châu Âu khác, từ  
class có một nghĩa là lớp nhưng cũng có nghĩa là hạng và vài nghĩa khác nữa, xét  
về ngữ cảnh, ta phải chọn nghĩa là hạng chứ không phải lớp. Trong Tiếng Việt từ  
lớp cũng có nhiều nghĩa nhưng không có nghĩa nào là hạng cả. Dịch ra “tàu ngầm  
lớp kilo” là sai, tối nghĩa, phải dịch là “tàu ngầm hạng kilo” mới đúng.  
9. Ma trận  
Ma trận là một thuật ngữ của Toán học cao cấp, đại để là một cái bảng bao  
gồm các phần tử được sắp xếp theo hàng và cột dùng để thực hiện một số thuật  
toán nào đó. Tuy nhiên, nhiều người lại hiểu theo nghĩa ma ma thuật, trận trận  
đồ, kiểu như trận đồ bát quái và sử dụng thuật ngữ này theo nghĩa đó.  
Dẫn chứng: “Được “chạy” vào cấp 3, Định vẫn cố gắng cắp cặp tới trường,  
mặc dù chữ nghĩa cứ nhảy múa trước mắt cậu như ma trận.”(1)  
10. Nàng tiên cá  
Trong văn hóa phương Đông, nàng tiên là sự lý tưởng hóa người con gái đẹp  
tuyệt vời, sống trên thượng giới với những phẩm chất cao quý, siêu phàm. Trong  
văn học phương Tây người ta tưởng tượng ra những nhân vật, nửa trên là người  
con gái đẹp mê hồn, nửa dưới lại là cá, sống dưới biển. Trong thần thoại Hy Lạp  
những người cá này có giọng hát mê hoặc các thủy thủ để họ không thể cưỡng lại  
được. Tiếng Anh gọi họ là mermaid, tiếng Nga là rusalca, Tiếng Việt thường gọi,  
dịch là nàng tiên cá. Những người cá này nhìn chung không được lý tưởng hóa  
những phẩm cách siêu phàm như các nàng tiên Á Đông. Dịch (gọi) nhân vật này là  
tiên cá có lẽ hơi tô vẽ thêm so với thực chất, thiếu khách quan, một xu hướng mà  
có nhiều dịch giả Việt Nam ưa thích. Theo tôi, tốt nhất là dịch, gọi mỹ nhân ngư  
100  
Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (159) . 2020  
trong các trường hợp chung, trừ những tác phẩm mà nhân vật được lý tưởng hóa  
đáng để tôn xưng là nàng tiên cá.  
11. Người đương thời  
Cách đây khoảng 50 năm, tôi rất ngạc nhiên khi thấy trên báo nhiều người  
dịch tên tạp chí Xovremennik của Liên Xô là “Người đương thời” mà đúng ra phải  
dịch là “Người cùng thời”. Hồi đó người biết tiếng Nga cho đến nơi đến chốn ít  
lắm, người biên tập biết tiếng Nga lại càng ít hơn. Đương thời là một từ Hán Việt,  
có nghĩa là “thời đó”, “thời bấy giờ”. Khi ta đang nói về Nguyễn Du thì đương thời  
là thời Nguyễn Du sống. Khi ta nói về Lý Công Uẩn thì đương thời là thời của Lý  
Công Uẩn. Người đương thời tách khỏi ngữ cảnh cụ thể thì không xác định được  
thời nào cả. Người sử dụng từ ghép này có lẽ cũng biết đây là từ Hán Việt nhưng  
lại tưởng rằng đương ở đây cũng có nghĩa như từ đương của Việt Nam trong các  
cụm từ: đương (=đang) ăn, đương ngủ v.v… Và đương thời bị hiểu là thời đang  
diễn ra bây giờ! Đương trong tiếng Hán không đồng nghĩa với đương trong Tiếng  
Việt! Chỉ vì không có ai sửa mà người nọ bắt chước người kia, nhất là từ khi đài  
truyền hình có chương trình “Người đương thời” thì xem ra từ ghép này đã được  
đông đảo công chúng chấp nhận. Thật là một sai lầm đáng buồn!  
Điều này cho thấy là nếu trên truyền thông dùng sai Tiếng Việt mà không có  
ai sửa thì sẽ có người bắt chước rồi nhân rộng ra, có ngày muốn sửa cũng không  
được. Hậu quả là tạo nên những vùng tù mù về ngữ nghĩa, làm giảm sự trong sáng  
của Tiếng Việt.  
12. Ngài  
Trong tiếng Anh từ Sir đứng riêng thì có thể dịch là ngài, quý ông, tôn ông,  
thưa thầy… như thường thấy. Nhưng khi từ Sir đi với tên riêng của một người nào  
đó, như Sir Paul McCartney chẳng hạn, thì không nên dịch như vậy. Bởi vì Sir ở  
đây không còn là từ xưng hô cung kính nữa mà là tước vị danh dự được vua phong  
sau khi lập nên công trạng đặc biệt đối với Tổ quốc, gọi là tước Sir hoặc tước Hiệp  
sỹ, tước này con không được thừa kế của cha. Tuy nhiên, ngày nay, trong bất cứ  
trường hợp nào, người ta cũng chỉ dịch là ngài, quý ông… chung chung. Quả thật  
tôi chưa thấy ai dịch khác. Cách dịch như vậy không thể hiện được tước vị quý  
tộc, dù là tước thấp nhất. Vì ở Á Đông không có tước tương tự để dịch nên trong  
trường hợp này theo tôi, tốt hơn hết là cứ để tước Sir kèm với tên như nguyên bản  
để người đọc biết đương sự được phong tước quý tộc, nếu lo độc giả không hiểu  
thì thêm chú thích.  
Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, khi xưng hô, dịch hoặc nói từ ngài nghe nó  
quá trịnh trọng, vượt quá mức độ lịch sự cần thiết, không tương xứng với phong  
cách của người phương Tây, vốn rất dân chủ, bình đẳng.  
Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (159) . 2020  
101  
13. Ốc đảo  
Cách dùng từ “ốc đảo” theo nghĩa là hòn đảo ngày nay cũng rất hay gặp. Thí  
dụ: “Cơn lụt đã biến xóm nhỏ này thành một ốc đảo”. “Triều Tiên là một ốc đảo  
xa lạ của Thế giới”. Ốc đảo là gì? Trong sa mạc, đôi khi người ta gặp một nơi có  
nguồn nước cho nên cây cỏ xung quanh mọc xanh tốt. Người ta gọi vùng cây cỏ  
cùng với nguồn nước đó là ốc đảo, có nghĩa là hòn đảo (lối nói hình tượng) tươi  
xanh của sự sống giữa sa mạc khô cằn chết chóc. Gặp ốc đảo là mơ ước của các  
đoàn lữ hành trên sa mạc. Ốc đảo là một từ ghép Hán Việt vì cấu tạo phụ trước  
chính sau nên phải hiểu theo nghĩa Hán Việt. Theo đó, ốc có nghĩa là màu mỡ, phì  
nhiêu do đủ nước (thường nói về đất, ruộng). Cách dùng từ ốc đảo trong hai ví dụ  
nêu trên và các trường hợp tương tự là sai. Sai vì kèm thêm từ tố ốc mà không hiểu  
ốc nghĩa Hán Việt là gì.  
Dẫn chứng: “Ốc đảo giữa sông Hương.”(2)  
14. Phi vụ  
Phi là bay, vụ là vụ việc, theo nghĩa đen trong Tiếng Việt, phi vụ là một vụ  
bay hay một lượt bay. Đây là một thuật ngữ của không quân. Một máy bay mang  
đủ bom đạn cất cánh đi chiến đấu xong quay về căn cứ là hoàn thành một phi vụ.  
Thí dụ “Để đánh sập cái cầu này, quân địch đã phải thực hiện gần một trăm phi vụ  
oanh tạc”. Do không hiểu phi là gì, hoặc tưởng phi có thể hiểu là phi pháp, ngày  
nay tôi thấy trên truyền thông những vụ việc không liên quan gì đến máy bay cũng  
gọi phi vụ. Thí dụ: “Phi vụ mua bán AVG”, “Những phi vụ làm ăn của công ty  
này…”, cứ dùng từ tphi mà không hề quan tâm nó có nghĩa gì!  
Dẫn chứng: “Phim Phi Vụ Triệu Đô là một tác phẩm trộm cướp đột phá và  
cuốn hút đến từ đất nước Tây Ban Nha”.(3)  
16. Sống sót  
“Tung tích cựu điệp viên Nga Sergey Skripal và con gái Yulia Skripal chưa  
được tiết lộ kể từ khi cha con cựu điệp viên sống sót xuất viện sau khi trúng chất  
độc thần kinh Novichok vào tháng 3.2018” (Lao Động).  
Trong đoạn văn trên ta thấy có từ sống sót. Sống sót là gì? Động từ sống ai  
cũng hiểu. Còn sót? Khi một tập hợp mà tuyệt đại đa số các phần tử đã ra đi, hoặc  
biến chuyển, chỉ sót lại một vài cá thể ở lại hoặc giữ nguyên trạng ngoài dự kiến.  
Thí dụ: “Cụ M. là người sống sót duy nhất của xóm này sau nạn đói 1945”. “Chị A  
là người sống sót duy nhất của gia đình sau trận động đất cách đây 10 năm”. “Anh  
S là thầy giáo duy nhất của trường này sống sót sau nạn diệt chủng của Polpot”. Có  
nghĩa là cụ M, chị A, anh S còn sống trong khi tất cả các thành viên khác của gia  
đình, dân trong xóm và giáo viên khác trong trường đều đã chết. Trong đoạn văn  
102  
Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (159) . 2020  
của báo Lao Động thì có ai chết đâu mà cha con Skripal sống sót! Chẳng có ai chết  
cả thì gọi là sống còn chứ. Cụ thể trong trường hợp này thì nên dịch là thoát chết,  
bình phục hoặc còn sống.  
Qua thực tiễn công tác, từ lâu tôi đã thấy từ survive trong tiếng Anh thường  
bị dịch ra là sống sót mà lẽ ra phải dịch là “sống còn”, “vượt qua”, “tồn tại”, “thoát  
nạn”… tùy ngữ cảnh. Lâu dần thành quen, nhiều người tưởng sống sót survive  
và bây giờ ta rất hay gặp “sống sót qua bạo bệnh”, “sống sót sau tai nạn”, “sống sót  
sau khi tự tử”… Từ sống sót không đem lại nghĩa thực trong các trường hợp này.  
17. Thường xanh  
Trong các sách và bài báo về môi trường, lâm nghiệp ta rất hay gặp thuật  
ngữ thường xanh. Thí dụ “thông ba lá là một loài cây thường xanh” với hàm ý của  
người nói là xanh quanh năm. Từ ghép này gồm hai thành tố nhưng lại có từ tố  
xanh là thuần Việt nên ta không thể xét nghĩa Hán Việt mà chỉ có thể xem xét từ  
này là từ thuần Việt. Mà theo nghĩa thuần Việt thì từ “thường” lại không phải là  
thường xuyên mà chỉ là thường thường (hay gặp thôi, chứ không phải lúc nào cũng  
gặp), và thường xanh không phải xanh thường xuyên! Cho nên trong khi chưa tìm  
ra cách gọi hợp lý hơn tốt nhất cứ gọi xanh quanh năm, ai cũng hiểu mà không ai  
bắt bẻ được.  
18. Văn học thiếu nhi  
Detskayia Literatura là tên của một nhà xuất bản thời Liên Xô cũ. Trong tất  
cả các bản dịch tôi thấy người ta dịch ra là Văn học thiếu nhi. Tính từ thiếu nhi dịch  
vậy là tạm được. Literatura cũng đúng là văn học nhưng còn nghĩa khác nữa, đó là  
tài liệu đọc, sách nói chung. Nhà xuất bản này không chỉ ra sách văn học (truyện,  
thơ…) mà còn cả sách âm nhạc, phổ biến kiến thức, trò chơi, công tác Đội… Và  
dịch đúng phải là (Nhà xuất bản) Sách thiếu nhi.  
19. Vị  
Chính mắt tôi trông thấy một biên tập viên gạch bỏ chữ vị trong từ ghép vị  
hôn thê khi biên tập một bài báo. Tôi hỏi sao lại bỏ chữ vị đi. Người đó trả lời rằng,  
nhân vật này không quá quan trọng để gọi là vị. Hóa ra là bạn ấy nghĩ, vị hôn thê là  
để đề cao chữ hôn thê, giống như trong từ vị khách! Thực tế trên các báo, phim…  
đầy rẫy những từ hôn phu, hôn thê… khi dịch từ fiancé, fiancée. Vị thực ra là một  
từ Hán Việt, có rất nhiều nghĩa, trong đó có một nghĩa là chưa. Vị tất là chưa chắc,  
vị thành niên là chưa đến tuổi thành niên, vị hôn phu là chồng chưa cưới. Vị thành  
niên và thành niên là khác hẳn nhau. Rất nhiều người cũng không biết rằng khác  
với từ thanh niên có thể dùng độc lập, các từ ghép hôn phu, hôn thê cha ông ta chỉ  
dùng sau chữ vị vị hôn phu có nghĩa là chồng chưa cưới và vị hôn thê có nghĩa  
là vợ chưa cưới.  
Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (159) . 2020  
103  
Dẫn chứng: “Hoàng tử Harry, 33 tuổi, và hôn thê Meghan Markle, 36 tuổi,  
sẽ kết hôn vào ngày 26/5/2018 tại nhà thờ Thánh George ở lâu đài Windsor.” (4)  
20. Vị tha  
Ngày nay trên báo mạng, báo giấy cũng như trong giao dịch hằng ngày, người  
ta hay dùng từ vị tha với ý nghĩa là độ lượng, bao dung vì nghĩ rằng tha là tha thứ  
cho lỗi lầm của người khác. Thực ra vị tha là một từ Hán Việt, trong đó vị nghĩa là  
vì, cho (“nghệ thuật vị nhân sinh” là nghệ thuật vì cuộc sống con người), còn tha  
là họ, chúng nó, nghĩa là đại từ nhân xưng ngôi thứ ba. Như vậy, vị tha là vì người  
khác, đối lập với vị kỷ là vì bản thân mình. Nghĩa này rộng hơn chứ không phải  
chỉ là độ lượng, tha thứ.  
21. Vườn Quốc gia  
Tôi không dám nói cái cách gọi Vườn Quốc gia (VQG) là sai, tôi chỉ có thể  
nêu một hai ý kiến quanh khái niệm này.  
VQG đầu tiên của Việt Nam được thành lập từ năm 1962, đó là VQG Cúc  
Phương, nhưng sau nhiều chục năm trôi qua, người dân vẫn không quen được với  
cách gọi này. Khi nói chuyện với nhau, họ vẫn gọi Rừng Quốc gia Cúc Phương.  
Điều này một phần, phải thừa nhận là công tác giáo dục môi trường ở ta làm chưa  
hiệu quả. Tuy nhiên, theo tôi, phần lỗi nặng hơn thuộc về ngôn từ. Nghĩa hiển ngôn  
của từ vườn trong Tiếng Việt là khu đất thường là bao quanh nhà, trong đó chủ nhà  
trồng rau, màu, chăn nuôi. Nghĩa đầu tiên bật lên trong óc ta khi nghe từ vườn là  
cây trồng và vật nuôi. Thứ hai là, vườn thường không lớn. Thứ ba là vườn dùng để  
khai thác kiếm lợi. Vườn Quốc gia ngược lại, ở đó toàn rừng tự nhiên, động thực  
vật hoang dã, con người không những không trồng ra mà còn không được phép  
đụng đến bất cứ cây và con vật nào trong đó, nói chi là khai thác! Còn diện tích thì  
rất lớn, gần như không giới hạn, Vườn Quốc gia Đông Bắc Greenland có diện tích  
bằng ba lần nước Việt Nam.  
Khái niệm Vườn Quốc gia đã có trên thế giới từ năm 1872, cách nay một thế  
kỷ rưỡi. Tuy nhiên, người ta không gọi Vườn Quốc gia mà gọi là Công viên Quốc  
gia (CVQG). CVQG theo cách gọi trên thế giới và VQG theo cách gọi Việt Nam là  
hoàn toàn cùng một khái niệm: đó là một khu vực đặc biệt trên đất liền hoặc biển  
được lựa chọn để bảo tồn đa dạng sinh học hoặc các đối tượng thiên nhiên khác,  
để con người đến nghỉ ngơi, du lịch, thưởng lãm và làm hiện trường nghiên cứu  
khoa học.  
Tuy nhiên, cho đến nay, trong các quyển sách, bài báo dịch từ tiếng nước  
ngoài, cái này đa phần vẫn được dịch ra là Công viên Quốc gia, ít thấy ai dịch  
thành Vườn Quốc gia. Điều đó nói lên rằng, các dịch giả không biết cái đó trong  
104  
Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (159) . 2020  
nước gọi là Vườn Quốc gia, hoặc họ không có khái niệm về Vườn Quốc gia. Điều  
này cũng nói lên, từ VQG không đem lại nghĩa hiển ngôn là cái mà nó phải làm.  
Thực ra, hai cách gọi VQG và CVQG đều chưa bao hàm được hết ý nghĩa,  
tuy nhiên, theo tôi, cách gọi Công viên Quốc gia có đôi phần hợp lý hơn.  
Cách gọi rừng quốc gia cũng có thể xem xét vì không phải vô cớ mà người  
dân lại tự phát gọi như vậy. Tôi nghĩ cách gọi Rừng Quốc gia nghe có lẽ còn có lý  
hơn là VQG.  
Tôi cho rằng, khi thành lập VQG đầu tiên, đúng vào thời kỳ có phong trào  
kêu gọi giảm thiểu sử dụng từ Hán Việt, thay vì gọi nó Công viên Quốc gia như các  
nước khác, những người có trách nhiệm ở ta đã thay từ Công viên bằng từ Vườn  
cho nó thuần Việt. Và hậu quả là có sự sai lệch từ này.  
22. Xác thối  
Tiếng Anh carcase xác chết động vật. Không hiểu sao có nhiều người cứ  
dịch là xác thối. Thành ra có một số động vật chuyên ăn xác chết thì dịch thành  
chuyên ăn xác thối, làm người đọc lại tưởng là chúng phải chờ xác chết thối ra mới  
ăn. Thực ra, những động vật này cũng thích ăn xác chết còn tươi, chỉ khi đói quá  
mà không có thịt tươi đành ăn thịt thối. Hậu quả cái sai này là hiểu nhầm tập tính  
một số loài động vật.  
Dẫn chứng: “Con mồi chính của chúng là cá. Tuy nhiên, chúng cũng tìm  
kiếm những thức ăn khác như chim, động vật có vú, thậm chí xác thối”.(5)  
23. Xe bọc thép lưỡng cư  
Nghĩa của cụm từ Tiếng Việt này là xe bọc thép có hai nơi cư trú. Cái xe làm  
ra là để chạy. Xe làm sao cư trú được. Xe này chạy cả trên cạn và dưới nước thì cứ  
gọi xe lội nước bọc thép như xưa nay cũng đã tạm ổn rồi. Còn nếu muốn nổ cho nó  
oách thì cứ gọi là thiết giáp địa thủy xa hoặc xe thiết giáp thủy bộ chẳng hạn. Hoặc  
theo cách gọi của “anh Tàu”, hơi khó hiểu một chút nhưng đáng tin cậy là Lưỡng  
thê trang thiết xa. Lớp động vật lưỡng cư đúng sai ta chưa bàn. Nhưng xe lưỡng cư  
thì chắc chắn là sai.  
Dẫn chứng: “Tàu của Trung Quốc là tàu lưỡng cư và theo một quan chức  
quân sự Mỹ, thì tàu này dừng ở vị trí cách tàu chiến của Mỹ chưa đầy 500m”.(6)  
24. Xúc tu  
Xúc tu trong Tiếng Việt có nghĩa là cái râu cảm giác, dùng để sờ vào vật để  
cảm nhận được đó là vật gì. Thí dụ cá chép, cá trê sống ở đáy sâu tối om om, mắt  
nhìn không thấy gì, phải dùng râu để nhận biết các vật xung quanh, nhận ra mồi.  
Râu của cá trê, cá chép gọi xúc tu. Cái râu này tiếng Anh gọi tentacle. Trong  
Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (159) . 2020  
105  
tiếng Anh thì tentacle to hay nhỏ đều gọi thế. Các dịch giả của ta cứ thấy từ này là  
dịch xúc tu. Hậu quả là ngày nay mọi người đều dịch hoặc viết cái vòi con bạch  
tuộc là xúc tu mặc dù lẽ ra phải gọi là cái vòi hoặc cái tay cuốn.  
Trên đây, tôi vừa nêu lên 23 từ và thuật ngữ xuất hiện nhiều trên truyền thông  
mà tôi cho là chưa đáp ứng với nghĩa tác giả cần diễn đạt hoặc chưa khớp với định  
nghĩa của giới chuyên môn. Đa phần những sự hiểu nhầm này xuất phát từ hiểu  
sai nghĩa của từ Hán Việt. Một số trường hợp bắt nguồn từ việc dịch sai, hoặc dịch  
chưa thật chính xác từ tiếng nước ngoài. Độ sai lệch nghĩa của các từ và thuật ngữ  
gây ra những hiểu nhầm bất lợi, làm giảm tính chính xác, tính thẩm mỹ của Tiếng  
Việt, làm hại cho tư duy logic của con người và cuối cùng là tạo nên những vùng  
mờ trong Tiếng Việt nơi ý người nói một đằng, người nghe lại hiểu theo một nẻo.  
Trong bài tôi cũng đồng thời đề xuất phương án khắc phục tình trạng này.  
B B  
CHÚ THÍCH  
1tay-3678879.html.  
(6) https://dantri.com.vn/the-gioi/tau-chien-my-trung-suyt-dam-nhau-tren-bien-  
dong-1387473123.htm.  
TÓM TẮT  
Trong bài viết này, tác giả nêu lên và phân tích một số từ, thuật ngữ được dùng phổ biến  
trên truyền thông mà nghĩa đích thực của chúng lại không phải là nghĩa mà tác giả muốn diễn đạt  
hoặc không khớp với định nghĩa của giới chuyên môn. Thực tế này dẫn đến cùng một diễn đạt  
có thể hiểu theo những cách khác nhau. Từ đó, có độ sai lệch về nghĩa của các từ và thuật ngữ  
gây nên sự hiểu nhầm, làm giảm sự trong sáng của tiếng Việt.  
ABSTRACT  
INCORRECT WORDS AND TERMS  
In this article, the author mentioned and analyzed some words and terms which are  
commonly used in the media but their true meaning is not the one that the author wants to  
express or does not match the definition of the expert. This fact leads to the same expression  
which can be understood in different ways. Therefore, it has the deviation of works and terms,  
load to misunderstanding and lose clarity of Vietnamese language.  
pdf 12 trang baolam 13/05/2022 5640
Bạn đang xem tài liệu "Từ và thuật ngữ chưa đúng", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

File đính kèm:

  • pdftu_va_thuat_ngu_chua_dung.pdf