Về sự ra đời của các tổ chức Phật giáo ở miền Nam Việt Nam, giai đoạn 1951-1954

34  
Nghiên cứu Tôn giáo. Số 2 - 2019  
DƯƠNG THANH MỪNG*  
VỀ SỰ RA ĐỜI CỦA CÁC TỔ CHỨC PHẬT GIÁO  
Ở MIỀN NAM VIỆT NAM, GIAI ĐOẠN 1951-1954  
Tóm tắt: Cho đến nay, nghiên cứu về tình hình Phật giáo miền  
Nam giai đoạn 1951 - 1954, vẫn còn là một khoảng trống đối  
với nhiều học giả trong và ngoài nước. Trong khi đó, những  
bước chuyển của Phật giáo miền Nam giai đoạn này lại giữ một  
vai trò, vị trí vô cùng trọng yếu, quy định tâm thế phát triển của  
Phật giáo miền Nam ở những thời điểm tiếp theo. Nhằm góp  
phần làm sáng tỏ hơn vấn đề này, chúng tôi đi vào phân tích và  
trình bày thêm một số nét về sự ra đời của Hội Phật học Nam  
Việt và Giáo hội Tăng già Nam Việt. Đây chính là hai tổ chức  
Phật giáo giữ vai trò nòng cốt trong các hoạt động chấn hưng  
tại miền Nam kể từ sau khi Tổng hội Phật giáo Việt Nam ra đời,  
cũng như trong công cuộc đấu tranh để giữ vững sự vẹn toàn  
của Đạo pháp trước Pháp nạn năm 1963.  
Từ khóa: Miền Nam; Phật giáo; tổ chức; Việt Nam.  
1. Hội Phật học Nam Việt  
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Phong trào Chấn hưng Phật  
giáo vẫn tiếp tục được các tăng ni, Phật tử triển khai thực hiện ở cả ba  
miền đất nước. Trong khi ở miền Bắc và miền Trung, các tổ chức Phật  
giáo nhanh chóng được phục hồi, cải tổ quy tắc và điều lệ để đi vào  
hoạt động thì ở miền Nam, mãi đến năm 1950, mới nhất thể hóa được  
về mặt tổ chức.  
Ngày 19/9/1950, Hội Phật học Nam Việt thành lập. Trụ sở ban đầu  
của Hội được đặt tại chùa Khánh Hưng, đường Verdun, Sài Gòn (nay  
là đường Cách mạng tháng Tám, quận 10, Tp. HCM). Ban Quản trị  
Lâm thời của Hội gồm có: Hòa thượng Liễu Thoàn (Nguyễn Văn Do,  
* Học viện Chính trị khu vực III, Đà Nẵng.  
Ngày nhận bài: 12/02/2019; Ngày biên tập: 18/02/2019; Duyệt đăng: 22/02/2019.  
Dương Thanh Mừng. Về sự ra đời của các tổ chức Phật giáo…  
35  
trụ trì chùa Tôn Thạnh, Cần Giuộc) - Chứng minh Đạo Sư; Nguyễn  
Văn Khỏe (Nguyên Hội trưởng Hội Lưỡng Xuyên Phật học) - Hội  
trưởng; Nguyễn Văn Thọ (Lương y Đông Pháp, Chánh sở Vệ vinh Sài  
Gòn) - Hội Phó; Pháp sư Trí Tịnh (Nguyễn Văn Bình, chùa Vạn  
Phước, Chợ Lớn) - Cố vấn Giáo lý; Tổng Thư ký là cư sĩ Chánh Trí  
Mai Thọ Truyền (Tri phủ Thủ tướng Phủ Việt Nam), Phó Thư ký là  
Luật sư Nguyễn Văn Vịnh; Thủ quỹ là Phạm Văn Vi - nguyên Hội  
trưởng Tỉnh hội Phật học Phan Rang; Kiểm soát là Pháp sư Trí Hữu,  
Trụ trì chùa Ứng Quang (Sài Gòn), và Lê Văn Toán, giáo viên.  
Đến ngày 25/2/1951, trên cơ sở của Quyết định số 2134-cab/DAA  
của Thủ hiến Nam Việt là ông Trần Văn Hữu, Hội Phật học Nam Việt  
chính thức đi vào hoạt động, trụ sở đặt tại chùa Phước Hòa (sau dời về  
chùa Xá Lợi). Cơ cấu tổ chức chính thức của Hội được bầu lại như  
sau: Ban Chứng minh gồm Hòa thượng Liễu Thoàn, Hưng Long, Đạt  
Thành. Hội trưởng là Hòa thượng Thích Quảng Minh, Phó Hội trưởng  
thứ Nhất là bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe và thứ Nhì là Nguyễn Văn Thọ;  
Thư ký là cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền và Phó Thư ký là Nguyễn  
Hữu Huỳnh; Thủ quỹ Phạm Văn Vi và phó là Trương Đình Ý, Cố vấn  
Nhật Liên, Thích Đặng, Trương Văn Thêm, Nguyễn Văn Tấn; Kiểm  
soát là Hòa thượng Đại Từ (trụ trì chùa Hưng Long), các cư sĩ Phạm  
Đăng Thanh, Lâm Văn Tượng, Trầm Khoa Hậu.  
Mục đích ra đời của Hội là “đoàn kết các Phật tử xuất gia và tại gia  
dùng mọi phương tiện để truyền bá và thực hành Phật pháp về mặt giáo  
lý cũng như từ thiện”1. Tôn chỉ của Hội là “Khảo cứu và làm sáng tỏ học  
thuyết của Phật Đà và đồng thời áp dụng cái học thuyết ấy trong đời sống  
hàng ngày của hội viên”2. Để đạt được mục đích này, mỗi hội viên cần  
phải thực hiện 2 nhiệm vụ cơ bản sau: 1/Truyền bá học thuyết Phật Đà;  
2/Dìu dắt thiện tín trên con đường tu tập. Theo các bậc sáng lập viên:  
“Thời đại này là thời đại tổ chức. Khắp năm châu bất luận trong ngành  
hoạt động nào, muốn có hiểu quả chắc chắn sự làm việc cần phải tổ chức.  
Mà nói đến tổ chức tức là nói đến sự quy nạp, đoàn kết những năng lực  
cùng theo đuổi một chí hướng, sắp đặt công việc và trình tự tiến hành  
cho có phương pháp, hầu nhanh chóng đạt mục đích mong ước. Đó là  
lý do khiến chúng tôi mạo muội đứng ra xin phép thành lập Hội Phật  
36  
Nghiên cứu Tôn giáo. Số 2 - 2019  
học Nam Việt. Lý do thứ nhì là chúng tôi mong được cùng với hội Phật  
giáo ở Bắc và Hội Phật giáo ở Trung chung sức đi đến chỗ thống nhất  
đạo Phật trên toàn quốc, về mặt giáo lý, nghi lễ, tu tập”3.  
Phương châm hoạt động của Hội là kiến thiết Hội quán làm nơi hội  
họp, tiếp xúc hội viên, bàn định công việc của Ban Quản trị, Ban  
Chứng minh; mở thư viện, phòng diễn giảng, văn phòng của các tiểu  
ban; biên - phiên dịch kinh sách, xuất bản báo chí... Thành lập các cơ  
quan từ thiện để làm việc phúc đức, cứu tế xã hội, như nuôi trẻ mồ  
côi, cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo, nuôi dưỡng người già  
bệnh tật, không nơi nương tựa... Xây dựng một ngôi trường Phật học,  
có đủ các phương tiện và điều kiện để dạy học, đồng thời, có chương  
trình đào tạo phù hợp với xu hướng mới của thời đại.  
Cơ cấu tổ chức của Hội gồm có Ban Chứng minh Đạo sư, Ban  
Quản trị, Ban Hoằng pháp... Ban Chứng minh Đạo sư được tập thể  
suy tôn từ trong hàng đại đức lão thành, giới luật nghiêm trì, tinh  
thông kinh điển. Họ phải là những người tiêu biểu cho tinh thần và  
giáo lý của đạo Phật, có quyền thiêng liêng và tối cao trong Hội. Ban  
Chứng minh không giới hạn về số lượng người tham gia. Nhiệm vụ  
chính của Ban là chỉ đạo các công việc chung cho Ban Hoằng pháp và  
Ban Quản trị, chủ tọa các ngày đại lễ, các lần nhóm họp4.  
Ban Quản trị gồm: 1 Hội trưởng, 2 Hội phó, 1 Tổng Thư ký, 2 Phó  
Thư ký, 1 Thủ quỹ và 1 Phó Thủ quỹ, 4 Cố vấn, 4 Kiểm soát. Nhiệm vụ  
của Hội trưởng là tham gia chủ tọa các buổi họp hội đồng của Ban  
Quản trị và Đại hội thường niên của Hội; ký và ban hành các văn bản,  
quyết định, nghị định của Hội; đại diện về mặt pháp lý cho Hội; triển  
khai thực hiện chương trình hoạt động của Hội. Hội trưởng được chọn  
ra từ hàng hội viên Thiệt hành và có độ tuổi từ 45 trở lên. Các Hội phó  
sẽ giúp đỡ, cố vấn cho Hội trưởng trong việc triển khai các công việc.  
Khi Hội trưởng vắng mặt, các Hội phó sẽ thay thế Hội trưởng quyết  
định các công việc. Thư ký phụ trách soạn thảo các loại văn bản, giấy  
tờ, quyết định, nghị định,... của Hội. Thủ quỹ phụ trách việc thu, chi của  
Hội. Các Cố vấn sẽ tham mưu công việc cho Ban Quản trị. Các Kiểm  
soát viên sẽ kiểm tra, xem xét, đôn đốc công việc của Hội và đặc biệt là  
về mặt tài chính. Các thành viên trong Ban Quản trị sẽ do Đại hội đồng  
Dương Thanh Mừng. Về sự ra đời của các tổ chức Phật giáo…  
37  
thường niên bầu ra. Những người này phải có độ tuổi từ 21 trở lên và  
định cư tại Sài Gòn - Chợ Lớn, họ được quyền tái ứng cử khi nhiệm kỳ  
kết thúc. Ban Quản trị nhóm họp ít nhất một tháng 1 lần. Khi đa số các  
thành viên trong Ban Quản trị biểu quyết thì Hội trưởng sẽ tiến hành  
triển khai các hoạt động/kế hoạch của Hội. Ban Quản trị được phân  
thành các tiểu ban như: Ban Cố vấn Giáo lý, Ban Cố vấn Quản trị,  
Nghi lễ... Thành phần của mỗi tiểu ban sẽ bao gồm 1 Trưởng ban và 1  
phó, 1 Thư ký, 1 Thủ quỹ, 2 Kiểm soát, 2 Cố vấn. Tất cả các tiểu ban  
này sẽ làm việc mà không có lương hay bất kỳ khoản trợ cấp nào.  
Ban Hoằng pháp có nhiệm vụ tổ chức các buổi thuyết pháp hay  
diễn giảng và mời các nhà nghiên cứu hoặc các bậc chân tu, am hiểu  
kinh nghĩa nhà Phật tham gia giảng dạy; soạn thảo, phiên dịch, chú  
thích các kinh sách về Phật pháp; biên tập báo chí của Hội, kiểm duyệt  
các sách vở, bài viết gửi tới Hội; tổ chức các tiểu ban diễn giảng lưu  
động để hỗ trợ cho các Tỉnh hội; kiểm soát mọi phương diện hoằng  
pháp tại các Tỉnh hội, Chi hội.  
Hội viên được phân định gồm: Hội viên Danh dự, chức danh này  
được Hội dùng để tặng cho những người đã có nhiều đóng góp quan  
trọng đối với sự ra đời của Hội. Hội viên Sáng lập là những người đã  
tham gia vào quá trình thành lập Hội. Hội viên Công đức là những  
người đã cúng dường tiền hoặc vật phẩm tương đương với số tiền  
3000đ trở lên. Hội viên Thiệt hành là những người đã tham gia đóng  
góp 30đ lúc gia nhập và mỗi tháng đóng tiền nguyệt liễm là 5đ. Điều  
kiện để gia nhập Hội là từ 18 tuổi trở lên, phải có đơn xin gia nhập và  
được sự giới thiệu của hai hội viên công đức hoặc Thiệt hành5.  
Về tài chính, Hội có các khoản: Tiền gia nhập và tiền nguyệt liễm  
của hội viên Thiệt hành, tiền đóng góp của hội viên Công đức, tiền  
chính phủ trợ cấp, hoa lợi thu được từ động sản hoặc bất động sản của  
Hội, tiền lời từ các hoạt động như ấn hành kinh sách, tổ chức các cuộc  
lạc quyên từ thiện...  
Về quyền lợi và trách nhiệm của hội viên: Khi đã trở thành thành  
viên của Hội, mỗi người sẽ được cấp 1 giấy chứng nhận, được tham  
dự các buổi thuyết giảng do Hội tổ chức; khi lâm chung được Ban  
Quản trị cử các ban viên đến tận nhà hộ niệm. Mỗi khi đến chùa Hội  
38  
Nghiên cứu Tôn giáo. Số 2 - 2019  
quán, các hội viên phải ăn mặc sạch sẽ, trang nghiêm, phải tuân thủ sự  
thanh tịnh và các quy tắc mà Hội đã quy định.  
Về việc thành lập chi nhánh tại các tỉnh: Tỉnh nào có đủ từ 30 hội  
viên Thiệt hành hay tùy hỉ trở lên thì có thể thành lập Tỉnh hội. Trong  
vòng 3 tháng sau khi được phép thành lập, các Tỉnh hội sẽ tiến hành  
Đại hội để hoàn thiện cơ cấu tổ chức. Các Tỉnh hội sẽ sinh hoạt dựa  
theo các điều khoản đã được quy định trong bản Điều lệ và Quy tắc  
chung của Hội, nhưng được tự chủ về mặt tài chính và công việc của  
mình. Việc tổ chức các nghi lễ và diễn giảng ở các Tỉnh hội cũng phải  
thực hiện theo kế hoạch của Hội. Mỗi Tỉnh hội sẽ đóng góp khoảng  
20%/năm các khoản kinh phí để duy trì các hoạt động chung của Hội  
quán Trung ương6.  
Hàng năm, Hội sẽ tổ chức đai hội 1 lần vào dịp cuối năm để xem  
xét các bản phúc trình từ các Tỉnh hội và các ban chuyên trách, quyết  
định những vấn đề do Ban Quản trị trình bày, xem xét việc thu chi của  
Hội. Các quyết định tại Đai hội sẽ được thông qua khi nhận được sự  
chấp thuận của 2/3 thành viên tham dự.  
Ngày 26/1/1952 (30/12/1951 Âm lịch), Hội Phật học Nam Việt làm  
lễ khánh thành Hội quán tại chùa Phước Hòa, đường Audouit, xóm  
Bàn Cờ, Sài Gòn (nay là đường Cao Thắng, quận 3, Tp. HCM). Ngày  
24/2/1952, Hội Phật học Nam Việt tiến hành đại hội đồng thường niên  
tại chùa Hội quán, với sự tham gia của 215 hội viên đến từ các tỉnh  
hội Trà Vinh, Cần Thơ, Long Xuyên, Sóc Trăng. Theo báo cáo trình  
đại hội, tính đến thời điểm này, tổng số hội viên của Hội là 676 người  
(Tỉnh hội 251 người, trung ương là 425 người); Ban Trị sự Hội đã xúc  
tiến với chính quyền các cấp để đẩy nhanh việc thành lập chi nhánh tại  
các tỉnh/thành Nam Bộ; hoàn thành công cuộc kiến thiết Phật học  
đường để đưa vào giảng dạy; gom nhặt hệ thống kinh sách do các tổ  
chức Phật giáo trước đây đã sưu tầm và Việt hóa (đặc biệt là bộ Đại  
Tạng Kinh của Hội Lưỡng Xuyên Phật học) về lưu trữ tại chùa Hội  
quán, phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu và tu tập... Đại hội đã  
bầu ra Ban Trị sự của nhiệm kỳ 1952 - 1953 như sau: Hội trưởng là  
Hòa thượng Thích Quảng Minh, Hội phó thứ nhất là Nguyễn Văn  
Khỏe, Hội Phó thứ hai là Nguyễn Văn Thọ, Tổng Thư ký là Chánh Trí  
Dương Thanh Mừng. Về sự ra đời của các tổ chức Phật giáo…  
39  
Mai Thọ Truyền, phó Thư ký là Lê Bá Cảnh và Nguyễn Hữu Huỳnh,  
Thủ quỹ Phạm Văn Vi và phó là Trương Đình Ý. Ban Cố vấn gồm:  
Đệ nhất Cố vấn là Nguyễn Văn Vĩ, Đệ nhị Cố vấn là Nguyễn Phong  
Cảnh, Đệ tam Cố vấn là Lê Tường, Đệ tứ Cố vấn là Trương Văn  
Thêm. Ban Kiểm soát gồm Hòa thượng Đạt Từ, cư sĩ Bùi Ngươn  
Nhung, Lâm Văn Tượng, Trầm Khoa Hậu.  
Ngày 1/3/1953, Hội Phật học Nam Việt tiến hành đại hội thường  
niên tại chùa Hội quán Phước Hòa, với sự tham dự của gần 300 đại  
biểu đến từ các Tỉnh hội. Nét mới của đại hội thường niên lần này là  
Hội đã có sự điều chỉnh một số nội dung trong bản Điều lệ và Quy tắc  
hoạt động. Nổi bật là việc mở rộng quyền lợi cho các hội viên. Theo  
đó, tất cả các hạng hội viên đều được tham dự vào việc quản trị của  
Hội (trước đây chỉ có hai dạng hội viên là Thiệt hành và Tùy hỉ mới  
được tham gia), được tham gia ứng cử vào các chức vụ trong Ban  
Quản trị, được quyền phủ quyết các vấn đề trong Hội nếu xét thấy là  
không cần thiết hay không phù hợp. Nhiệm kỳ của Ban Quản trị cũng  
được kéo dài từ 1 năm lên 2 năm. Và để đáp ứng cho những sự thay  
đổi này, các thành viên tham dự Đại hội đã thống nhất bầu ra Ban  
Chứng minh và Ban Quản trị cho nhiệm kỳ mới như sau: Ban Chứng  
minh gồm Hòa thượng Tôn Thạnh và Hòa thượng Huệ Quang. Ban  
Quản trị gồm: Hòa thượng Thích Quảng Minh - tái cử chức Hội  
trưởng, Phó Hội trưởng Thứ nhất là cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền,  
Phó thứ hai là Phạm Văn Đi, Tổng Thư ký là Võ Đình Dần cùng phó  
là Lâm Văn Tượng và Nguyễn Văn Tâm, Thủ quỹ là Nguyễn Văn  
Lượng cùng phó là Trần Phước Lộc, Cố vấn là Bùi Ngươn Nhung,  
Cao Văn Trí, Lê Văn Cầm và Đào Văn Hội. Kiểm soát là Lê Bá Cảnh,  
Hà Văn Hạnh, Trần Công Đây và Trầm Khoa Hậu.  
Ngày 28/2/1954, Hội Phật học Nam Việt nhóm họp hội đồng thường  
niên tại chùa Hội quán. Tại đại hội lần này, Hội Phật học Nam Việt tiếp  
tục có những sự điều chỉnh trong bản Điều lệ và Quy tắc. Đơn cử như  
tiền nguyệt liễm của hội viên Thiệt hành tăng từ 5 lên 10đ. Muốn trở  
thành hội viên vĩnh viễn phải đóng 1.500đ chứ không phải 700đ như  
trước đây. Bên cạnh đó, Đại hội cũng đã bàn định việc sửa đổi về hình  
thức và nội dung của Tạp chí Từ Quang (bổ sung thêm chuyên trang về  
40  
Nghiên cứu Tôn giáo. Số 2 - 2019  
Gia đình Phật tử), các thành viên trong ban biên tập của Tạp chí cũng  
được nâng từ 4 thành viên lên 12 thành viên7; bàn định việc bầu lại cơ  
cấu tổ chức nhằm bổ khuyết cho những thành viên của Hội đã ra nước  
ngoài du học. Đơn cử như trường hợp của Hòa thượng Thích Quảng  
Minh - Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt du học tại Nhật Bản... Theo  
đó, cơ cấu tổ chức của Hội năm 1954 - 1955 đã được bầu lại như sau:  
Hội trưởng là Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ, Hội Phó thứ nhất là Võ Đình  
Dần, Hội phó thứ hai là Bác sĩ Cao Văn Trí; Tổng Thư ký là Lưu Văn  
Trừ cùng hai Phó Thư ký là Mai Thọ Truyền, Hồ Văn Tấn; Thủ quỹ là  
Lâm Văn Tượng và phó là Hà Văn Hạnh; Cố vấn là Bác sĩ Lê Văn  
Cầm, Dương Dậu, Bùi Ngươn Nhung, Nguyễn Hữu Pha; Kiểm soát là  
Trầm Khoa Hậu, Trần Công Đây, Lê Bá Cảnh, Đặng Bích Ngô.  
Đáng chú ý nhất là kỳ đại hội thường niên vào tháng 2/1955, Hội  
Phật học Nam Việt đã có những sự đổi mới một cách căn bản trong cơ  
cấu tổ chức. Ngoài Ban Chứng minh, Ban Trị sự, Ban Cố vấn,... các  
tiểu ban chuyên trách đã được thành lập. Cụ thể, về chức danh Hội  
trưởng là cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Phó Hội trưởng Thứ nhất  
là Võ Đình Dần và Thứ nhì là Lê Văn Cầm; Tổng Thư ký là Tống Hồ  
Cầm và phó là Lê Văn Cần, Lê Thị Chinh; Thủ quỹ là Lâm Văn  
Tượng cùng phó là Hà Văn Hạnh; Cố vấn là Hòa thượng Trường Lạc  
các ông bà Hương Tuyền, Cao Văn Trí, Bùi Ngươn Nhung, Trần Văn  
Đất, Dương Dậu; Kiểm soát là các ông Hà Văn Hạnh, Trầm Khoa  
Hậu, Lưu Văn Trừ, Đặng Bích Ngô, Hồ Văn Tấn. Các trưởng tiểu ban  
gồm: Lê Văn Cầm - Tiểu ban Hỗ trợ Tăng già; Bà Hương Tuyền -  
Tiểu ban Dược sư và Từ thiện; Tống Hồ Cầm - Ban Hướng dẫn Gia  
đình Phật tử; Trần Văn Trực - Ban Cổ động; Dương Dậu - Ban Y tế;  
Thầy Tác Nghiệp - Ban Hộ niệm; Bà Trần Y Trực - Ban Tiếp dân;  
Trầm Khoa Hậu - Ban Công quả; Lê Bá Cảnh - Ban Trật tự. Đặc biệt,  
tại đại hội lần này, được sự nhất trí của Giáo hội Tăng già Nam Việt  
và Hội Phật học Nam Việt, Ban Hoằng pháp của 2 tổ chức này đã  
được hợp nhất. Hòa thượng Thiện Hoa được bầu làm Trưởng ban, Phó  
ban là Hòa thượng Trí Hữu, Thư ký là Hòa thượng Trường Lạc, Thủ  
quỹ là Hòa thượng Thanh Từ. Ban Hoằng Pháp lại được chia ra thành  
các tiểu ban như: Ban Giáo dục và Ban Diễn giảng do Hòa thượng  
Thiện Hoa làm Trưởng ban; Ban Phát Thanh và Biên tập Từ Quang do  
Dương Thanh Mừng. Về sự ra đời của các tổ chức Phật giáo…  
41  
Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền làm Trưởng ban; Ban Kiểm duyệt  
Giáo lý và Xuất bản do Hòa thượng Thiện Hòa làm Trưởng ban8.  
Về việc thành lập các chi nhánh tại các tỉnh, thì ngay từ ngày  
15/7/1951, Hội Phật học Nam Việt đã thành lập được chi nhánh ở Trà  
Vinh. Ngày 14-15/10/1951 (Âm lịch), Tỉnh hội Trà Vinh làm lễ khánh  
thành Hội quán tại chùa Phước Hòa. Đến tháng 15/11/1951, nhờ sự  
giúp đỡ của cư sĩ Nguyễn Văn Nở, Hội Phật học Nam Việt đã thành lập  
được Tỉnh hội tại Cần Thơ. Năm 1952, Tỉnh hội Cần Thơ khởi công  
xây dựng chùa Hội quán tại trung tâm Châu Thành và đến ngày 23-  
24/5/1953 thì khánh thành. Ngày 24/11/1951, thành lập Tỉnh hội Long  
Xuyên (có hai chi hội độc lập là Chi hội Quảng Tế và Chi hội Bình An),  
Hòa thượng Phước Huệ được bầu làm Chứng minh Đạo sư. Ngày 1-  
2/8/1953, Tỉnh hội Long Xuyên đã làm lễ khánh thành Hội quán. Ngày  
18/1/1952, thành lập Tỉnh hội Sóc Trăng và đến ngày 15/6/1952, Tỉnh  
hội đã làm lễ khánh thành Hội quán tại chùa Khánh Sơn, Hội trưởng là  
Tạ Quang Vinh, Tổng Thư ký là Nguyễn Văn Trường, Cố vấn là Huỳnh  
Văn phẩm. Năm 1952, thành lập Tỉnh hội Sa Đéc, Hòa thượng Từ  
Nhơn làm Trưởng ban Trị sự. Theo nhận định của Ban Trị sự Hội Phật  
học Nam Việt, tuy chỉ mới thành lập nhưng tỉnh hội Sa Đéc đã có trên  
200 hội viên và đã tổ chức xong một Ban Hoằng pháp có cả Ni giới  
tham dự. Và đến ngày 25/12/1954, Tỉnh hội Sa Đéc đã làm lễ khánh  
thành Giảng đường ngay tại chùa Hội quán để đào tạo các khóa Phật  
học cơ bản, ngắn hạn cho các tín đồ. Ngày 19/6/1952, Hội Phật học  
Nam Việt thành lập chi nhánh tại Mĩ Tho. Ngày 30/8/1953, thành lập  
Tỉnh hội Vĩnh Long tại chùa Giác Thiền và Tỉnh hội Trưởng là Sư bà  
Phán Tước. Ngày 13/9/1953, thành lập Tỉnh hội Bến Tre tại chùa Viên  
Giác. Ngày 25/10/1953, thành lập Tỉnh hội Bạc Liêu tại chùa Vĩnh Hòa  
dưới sự chứng minh của các hòa thượng: Huệ Viên, Huệ Minh, Huệ  
Quang và sự vận động tích cực của Hòa thượng Thiện Nhật (chùa  
Phước Hòa An). Tỉnh hội trưởng là Yết ma chùa Long Phước; Tổng  
Thư ký là Huỳnh Quốc Trân; Thủ quỹ là Đỗ Phước Lai. Năm 1953,  
thành lập Tỉnh hội Biên Hòa do Hòa thượng Long Thiền làm Chứng  
minh Đạo sư và đạo hữu Ngô Phước Hướng làm Tỉnh hội Trưởng.  
Cũng trong năm 1953, Tỉnh hội Hà Tiên thành lập tại chùa Tam Bảo.  
Ngày 29/7/1955, Tỉnh hội Bạc Liêu thành lập và làm lễ khánh thành  
42  
Nghiên cứu Tôn giáo. Số 2 - 2019  
chùa Hội quán. Ngày 4/9/1955, thành lập Tỉnh hội Gia Định tại chùa  
Giác Tâm (Phú Nhuận). Ngày 30/11/1955, thành lập Tỉnh hội Rạch  
Giá, cư sĩ Lê Hữu Thẩm được bầu làm Tỉnh hội Trưởng...  
Ngay sau khi thành lập, Hội Phật học Nam Việt đã cho ấn hành  
Tạp chí Từ Quang làm cơ quan ngôn luận. Đây chính là một trong  
những tờ báo Phật giáo có số lượng ấn bản khá đồ sộ và thời gian tồn  
tại lâu nhất ở Việt Nam nửa sau thế kỉ XX. Bên cạnh đó, Hội đã triển  
khai nhiều hoạt động như: Xây dựng Phật học đường Nam Việt làm  
nơi đào tạo tăng tài, tổ chức các khóa Phật học phổ thông cho các tín  
đồ, Phật tử, thành lập các Gia đình Phật tử như Chánh Tâm, Chánh  
Tín, Chánh Giác... Ngày 30/9/1951, với sự hỗ trợ của Liên đoàn Dược  
sĩ người Việt và một số thiện tín, Hội Phật học Nam Việt cho thành  
lập Ban Cứu tế xã hội (y tế) tại chùa Khánh Hưng. Hai hội phó của  
Hội cũng đồng thời là 2 bác sĩ - Nguyễn Văn Khỏe và Nguyễn Văn  
Thọ, được giao nhiệm vụ quản lý ban này. Chỉ sau một năm hoạt  
động, số lượt người tới khám và điều trị đã đạt con số 6.297 người.  
Trong đó, số bệnh nhân là 1.056 người và số người bắt mạch là 5.241  
người. Từ sự thành công đó, ngày 2/6/1952, Hội Phật học Nam Việt  
tiếp tục mở phòng thuốc thứ hai tại chùa Hội quán Phước Hòa (ngày  
7/6/1952, Hội mới chính thức làm lễ khánh thành)... Nhằm đáp ứng  
cho yêu cầu Hội nghị thống nhất Phật giáo diễn ra tại chùa Từ Đàm,  
Hội Phật học Nam Việt cũng đã chọn ra 15 cá nhân tiêu biểu để tham  
dự. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về mặt tài chính nên cuối cùng chỉ có  
9 người tham dự là: Hòa thượng Đạt Thanh - Pháp chủ Phật giáo Nam  
Việt làm Trưởng đoàn, các ủy viên là các hòa thượng Quảng Minh,  
Nhật Liên, Chánh Quang, Thiện Hoa và các cư sĩ Định Trí, Phạm Văn  
Vi, Trầm Khoa Hậu, Nguyễn Hữu Huỳnh. Với sự nhất trí của các đại  
biểu đến từ 3 miền đất nước, Tổng hội Phật giáo Việt Nam đã được  
thành lập (tháng 5/1951). Sau khi ra đời, Tổng hội Phật giáo Việt Nam  
cũng đã nỗ lực để xây dựng và phát triển Phật giáo về mọi mặt, kể cả  
việc xúc tiến đối với chính quyền để được công nhận tính chính danh.  
Với những nỗ lực đó, ngày 8/7/1953, Thủ tướng Chính phủ, kiêm  
Tổng trưởng Bộ Nội vụ là Nguyễn Văn Tâm đã ký Nghị định Số 45-  
MI/DAP, cho phép Tổng hội Phật giáo Việt Nam chính thức thành lập  
Dương Thanh Mừng. Về sự ra đời của các tổ chức Phật giáo…  
43  
và hoạt động trên khắp lãnh thổ quốc gia9. Và như vậy, sau hơn 2  
năm, vấn đề thống nhất Phật giáo toàn quốc diễn ra tại chùa Từ Đàm,  
Huế đã được công nhận về mặt pháp lý. Cũng chính từ đây, Ban Quản  
trị Lâm thời của Tổng hội đã chấm dứt nhiệm vụ để thành lập một Ban  
Quản trị chính thức.  
2. Giáo hội Tăng già Nam Việt  
Ngày 5/6/1951 (1/5 âm lịch), Giáo hội Tăng già Nam Việt thành lập  
tại chùa Hưng Long (Sài Gòn). Đến ngày 7/8/1952, Thủ hiến Nam Việt  
là Hồ Quang Hoài ký Quyết định Số 1645/cab/DAA, cho phép Giáo hội  
chính thức đi vào hoạt động, trụ sở đặt tại chùa Ấn Quang, số 635,  
đường Lorgeril, Sài Gòn (nay là đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, Tp.  
HCM). Ban Chứng minh gồm Hòa thượng chùa Hưng Long, Hòa  
thượng Đạt Thành chùa Giác Ngộ, Hòa thượng chùa Tân Viên, dưới  
quyền chủ tọa của Pháp sư Nhật Liên. Trên cơ sở bàn định, các tăng già  
Nam Việt đã suy tôn Hòa thượng Đạt Thành - chùa Giác Ngộ lên ngôi  
Pháp chủ (lâm thời). Ban Tổng trị sự của Giáo hội gồm: Trị sự Trưởng  
là Hòa thượng Thích Đạt Từ - chùa Từ Nghiêm (năm 1953 là Hòa  
thượng Huyền Dung và 1954 là Hòa thượng Thiện Hoa), Phó Trị sự là  
Thích Như Quý - Giáo thọ chùa Bửu Đà, Tổng Thư ký là Thích Nhật  
Liên - Pháp sư Phật học đường Nam Việt, Phó Thư ký là Thích Chân  
Minh - Chùa Giác Tâm (năm 1954 là Hòa thượng Nhật Liên), Thủ quỹ  
là Thích Giác Hòa trụ trì chùa Tăng Già, Cố vấn là Thích Quảng Minh -  
Pháp sư Phật học Đường Nam Việt, Cố vấn là Thích Trí Hữu - Pháp sư  
Phật học Đường Nam Việt, Kiểm soát là Thích Chánh Quang - Giáo thọ  
chùa Giác Tâm, Thích Tắc Nghi - trụ trì chùa Pháp Hội.  
Mục đích ra đời của Giáo hội Tăng già Nam Việt là đoàn kết tất cả  
các nhà sư hiện đang cư trú trên toàn lãnh thổ miền Nam thành một  
đoàn thể thống nhất để: Phụng sự Phật giáo; Chỉnh lý chế độ Tăng già  
hiện tại; Bài trừ nạn thất học cho chư tăng; Sách tiến chư tăng nghiêm  
trì giới luật; Thực hiện chế độ lục hòa trong tăng già. Để đạt được mục  
đích này, Giáo hội Tăng già Nam Việt sẽ thực hiện các phương pháp  
hoạt động như: Suy tôn ngôi Pháp chủ Tăng già Nam Việt; Thành lập  
Ban Tổng trị sự; Lập sổ tăng tịch và cấp chứng chỉ cho chư tăng; Kiến  
lập Phật học đường Nam Việt; Mở các lớp huấn luyện Phật pháp cho  
44  
Nghiên cứu Tôn giáo. Số 2 - 2019  
tăng già; Tổ chức các đàn tràng theo đúng chính pháp; Bảo tồn các tự  
viện, các cơ quan hành đạo; Xuất bản kinh sách và báo chí về Phật  
giáo; Giúp đỡ và khuyến khích những tổ chức Phật giáo chân chính.  
Bên cạnh đó, Điều 5, 6, Bản Quy tắc Hoạt động của Giáo hội Tăng già  
Nam Việt cũng quy định, các thành viên không được tham gia vào các  
hoạt động chính trị. Nếu tăng già nào vi phạm điều này sẽ bị trục xuất  
ra khỏi Giáo hội. Trong các buổi họp, cấm bàn luận về chính trị và các  
lực lượng tôn giáo đương thời, v.v...  
Về cơ cấu tổ chức của Giáo hội gồm: Một Hội đồng Trưởng lão,  
một vị Pháp chủ, một Ban Tổng Trị sự và các Tỉnh trị sự ở các  
tỉnh/thành miền Nam.  
Hội đồng Trưởng lão gồm các vị nguyên lão, kỳ túc do đại hội  
đồng tăng già toàn miền Nam suy tôn. Hội đồng này có quyền chứng  
minh tất cả các Phật sự do Pháp chủ hạ đảm; tham mưu ý kiến cho  
Pháp chủ; tham gia giải quyết một số hoạt động Phật sự mà Pháp chủ  
chưa thể giải quyết. Hội đồng Trưởng lão không giới hạn số lượng  
thành viên tham gia.  
Đối với ngôi vị Pháp chủ sẽ do Hội đồng Trưởng lão đề cử và toàn thể  
tăng già tại miền Nam suy tôn. Pháp chủ có quyền ban hành tăng chế  
trong Giáo hội; chứng minh tất cả các hoạt động Phật sự do Ban Tổng Trị  
sự chủ trương; chứng minh việc cấp chứng chỉ cho tăng già; xử lý các  
thành viên khi họ vi phạm quy chế; đại diện cho Giáo hội để giao thiệp  
với chính quyền cũng như Phật giáo ở hai miền Bắc và Trung.  
Đối với Ban Tổng Trị sự do Đại hội tăng già toàn miền bầu cử. Ban  
này gồm 1 Trị sự Trưởng, 1 Trị sự phó, 1 Tổng Thư ký và 2 phó, 1 Thủ  
quỹ và 1 phó, 1 Trưởng ban Giám Luật, 1 Trưởng ban Nghi lễ, 1  
Trưởng ban Hoằng pháp, 1 Trưởng ban Tổ chức, 1 Trưởng ban Thuyên  
chuyển, 1 Trưởng ban Chưởng Bộ tịch, 4 Dự khuyết kiêm Cố vấn và  
Giám sát. Trưởng Ban Trị sự có trách nhiệm trông coi công việc Giáo  
hội, chủ tọa các cuộc họp, đại hội; phê duyệt và đảm bảo thi hành các  
văn bản, nghị định thuộc ban này; đại diện về mặt pháp lý cho Giáo hội.  
Các phó Trị sự sẽ hỗ trợ công việc cho Tổng Trị sự. Thư ký chăm lo các  
loại văn bản, giấy tờ, sổ sách. Thủ quỹ chăm lo về mặt tài chính cho  
Giáo hội. Ban Giám luật có nhiệm vụ điều tra việc thực hiện giới luật  
Dương Thanh Mừng. Về sự ra đời của các tổ chức Phật giáo…  
45  
trong các chùa, trong đội ngũ tăng già. Nếu chùa nào hoặc vị tăng già  
nào vi phạm sẽ làm biên bản trình lên Tổng Trị sự và nếu mức độ  
nghiêm trọng thì Pháp chủ sẽ trực tiếp giải quyết. Ban Nghi lễ chăm lo  
việc triển khai các lễ hội một cách thống nhất trong toàn miền; phân  
định các khóa tụng niệm, thời gian đánh chuông, gõ mõ; chỉnh đốn sắc  
phục, pháp phục cho tăng già. Ban Giáo dục có trách nhiệm xây dựng  
chương trình giáo dục, các khóa huấn luyện, mời các vị giảng sư, tổ  
chức các kỳ thi sát hạch. Ban Hoằng pháp chăm lo chương trình diễn  
giảng, xem xét và đề nghị Tổng trị sự đính chính hoặc giải trình các  
kinh sách dịch chưa đúng hoặc không phù hợp. Ban Tổ chức chăm lo  
các đàn tràng theo đúng chính pháp. Ban Thuyên chuyển chăm lo việc  
điều chuyển các vị tăng già, các chức vụ trụ trì tại các chùa... Ban Tổng  
Trị sự có nhiệm kỳ 3 năm. Mỗi tháng sẽ tiến hành họp 2 kỳ10.  
Ban Tổng Trị sự đầu tiên gồm: Hòa thượng Thiện Hòa (Hứa Khắc  
Lợi) - Trưởng ban, Phó Ban là Hòa thượng Đạt Từ (Lê Văn Bường),  
Tổng Thư ký là Hòa thượng Nhật Liên (Diệp Tâm Khai), Thư ký là  
Hòa thượng Thiện Định (Lê Văn Ba) và Trường Lạc (Nguyễn Văn  
Thọ). Thủ quỹ là Hòa thượng Tắc Nghi (Nguyễn Văn Nơi) và phó là  
thầy Mật Trí (Nguyễn Quang). Trưởng ban Giám luật là Hòa thượng  
Phước Cần (Lê Văn Dần), Trưởng ban Nghi lễ là Hòa thượng Giác  
Tánh (Nguyễn Văn Khiết). Trưởng ban Giáo dục kiêm Hoằng pháp là  
Hòa thượng Thiện Hoa (Trần Thiện Hoa). Trưởng ban Tổ chức là Hòa  
thượng Trí Hữu (Lê Trí Hữu). Trưởng ban Thuyên chuyển là Hòa  
thượng Khánh Phước (Lương Tư Thanh). Chưởng Bộ tịch là Hòa  
thượng Nhật Liên (Diệp Tâm Khai).  
Đối với Ban Trị sự ở các tỉnh sẽ do đại hội tăng già toàn tỉnh bầu cử,  
gồm: 1 Tăng trưởng, 1 Trị sự trưởng, 1 Tổng Thư ký và 1 phó, 1 Thủ  
quỹ, 1 hay nhiều thượng tọa Giám luật kiêm Cố vấn, 1 hay nhiều thượng  
tọa Hoằng pháp kiêm Tuần chúng. Ban Trị sự tỉnh có nhiệm kỳ 1 năm.  
Về thành phần tham gia, theo quyết định của Đại hội đồng ngày  
28/2/1954 và ngày 1/3/1954, Giáo hội Tăng già Nam Việt được chia  
làm 3 thành phần chính: Thứ nhất, Tịnh hạnh tăng - là những bậc tôn  
túc, giới hạnh tinh nghiêm, tập chúng tu hành, hoằng pháp lợi sanh y  
như giáo pháp của đức Phật; Thứ hai, Thiệp thế tăng - là những vị y  
46  
Nghiên cứu Tôn giáo. Số 2 - 2019  
chỉ tại các tự viện, tuy đồng hình tướng với Tịnh hạnh tăng nhưng chưa  
trường trai, đoạn dục. Thiệp thế tăng không có trách nhiệm hoằng pháp;  
Thứ ba, Ni chúng Bộ tăng - bao gồm tất cả các ni sư hiện hữu trên toàn  
xứ Nam Việt. Ni chúng Bộ được chia làm 2 hạng: Một hạng thanh tịnh  
tu hành, có trách nhiệm hoằng dương Phật pháp và một hạng chuyên tu  
công quả để khuyến hóa tín đồ. Ni chúng Bộ thuộc quyền quản lý của  
Giáo hội, nhưng về mặt nội trị sẽ giao cho Ban Quản trị Ni chúng trông  
coi. Ban Quản trị Ni chúng sẽ do tập thể các ni bầu ra, mỗi năm một lần  
và dựa trên sự phê quyệt của Ban Tổng Trị sự. Ban Quản trị của Ni  
chúng gồm 1 Ni trưởng và 1 phó, 1 Thư ký và 1 phó, 1 Thủ quỹ, 2 Cố  
vấn, 2 Kiểm soát11. Ban Quản trị Ni chúng bộ đầu tiên gồm: Ni trưởng  
Danh dự là các Sư bà Thanh Tải (Trà Vinh), Bửu Trí, Bửu Thanh (chùa  
Thiên Quang, Cần Thơ), Hữu Chí (chùa Long Hòa, Châu Đốc), Đạt  
Đạo (thuộc Tông Thiên Thai Giáo quán). Trưởng Ban Quản trị là Sư  
trưởng Như Thanh. Phó Ban là Ni trưởng Thích nữ Chí Kiên (chùa Từ  
Quang, Sa Đéc) và Thích nữ Liễu Tánh (chùa Phật Bửu, Cai Lậy). Cố  
vấn tối cao là Ni trưởng Thích nữ Diệu Kim (chùa Bảo An, Cần Thơ).  
Tổng Thư ký là Ni trưởng Thích nữ Huyền Huệ (chùa Hải Ấn, Gia  
Định). Phó Tổng Thư ký là Ni trưởng Thích nữ Viên Huy (chùa Từ  
Vân, Phú Nhuận), Thích nữ Tịnh Ý (chùa Tăng Già, Khánh Hội). Thủ  
quỹ là Ni trưởng Thích nữ Diệu Ðức (chùa Từ Vân, Phú Nhuận). Phó  
thủ quỹ là Thích nữ Như Minh (chùa Bạch Vân, Bến Tre), Thích nữ  
Như Trí (chùa Thiên Phước, Thủ Dầu Một). Giám luật là Ni trưởng  
Thích nữ Diệu Hoa (chùa Phước Huệ, Sa Đéc). Nghi lễ là Ni trưởng  
Thích nữ Thông Huệ (chùa Linh Thứu, Mĩ Tho). Giáo dục là Ni trưởng  
Thích nữ Chí Kiên. Tổ chức là Ni trưởng Thích nữ Diệu Ninh (chùa  
Vĩnh Bửu, Bến Tre), Thích nữ Diệu Hoa. Thuyên chuyển là Ni trưởng  
Thích nữ Giác Ngọc (chùa Phước Huệ, Sa Đéc). Chưởng hộ tịch là Ni  
trưởng Thích nữ Giác Nhẫn (chùa Giác Thiên, Mĩ Tho). Thường trực  
là Ni trưởng Thích nữ Như Nghĩa (chùa Hải Huệ, Sa Đéc), Thích nữ  
Như Lý (chùa Từ Nguyên, Sa Đéc), Thích nữ Diệu Chơn (chùa Linh  
Thứu, Mĩ Tho) và Thích nữ Diệu Hạnh (Sa Đéc). Kiểm soát là Thích  
nữ Tâm Nhàn (chùa Giác Thiên, Vĩnh Long), Thích nữ Diệu Ngộ  
(chùa Phổ Đức, Mĩ Tho), Thích nữ Tri Thông (Vĩnh Long), Thích nữ  
Diệu Ðạo (Bến Tre). Ni chúng Bộ Nam Việt có Bản Nội quy và Điều  
Dương Thanh Mừng. Về sự ra đời của các tổ chức Phật giáo…  
47  
lệ Hoạt động do Giáo hội Tăng già Nam Việt chuẩn y. Trụ sở của Ni  
bộ lúc đầu đặt tại chùa Huê Lâm, sau đó được dời về chùa Dược Sư.  
Đến năm 1958, khi chùa Từ Nghiêm được xây dựng hoàn tất thì trụ sở  
của Ni bộ chính thức được đặt tại đây.  
Nhiệm vụ của các bậc tăng già được xác định là: Trung thành với mục  
đích, lý tưởng của Giáo hội; nghiêm trì giới luật mà mình đã thọ; làm  
tròn chức trách do Giáo hội giao phó; ủng hộ Giáo hội về mọi phương  
diện và mỗi năm đóng góp cho Giáo hội một số tiền tối thiểu là 120đ.  
Các vị tăng, ni nào muốn gia nhập Giáo hội phải đủ điều kiện từ 18  
tuổi trở lên, phải được sự giới thiệu của 2 vị tăng già, phải có đơn xin  
gia nhập và phải đóng một số tiền nhập hội là 50đ. Sau khi xem xét (3  
tháng), Ban Trị sự Giáo hộ sẽ ký giấy chứng nhận để công nhận là  
thành viên của Giáo hội. Khi đã là thành viên, tất cả tăng, ni đều có  
các quyền như: Được nhận một chứng chỉ do Giáo hội cấp; được tham  
dự vào các lớp học Phật pháp tại Phật học đường và các lớp huấn  
luyện; được hỗ trợ khi gặp khó khăn; khi lâm chung sẽ được Ban Trị  
sự làm lễ hộ niệm và cầu siêu tại trụ sở Giáo hội.  
Về tài sản của Giáo hội gồm tiền lạc cúng của các chùa và tín đồ,  
tiền nhập hội, niên liễm của tăng ni, tiền lợi tức từ động sản và bất  
động sản, tiền lời từ việc ấn hành kinh, sách, báo, tiền trợ cấp...  
Tháng 5/1952, để tiến tới thành lập Giáo hội Tăng già Việt Nam,  
Hòa thượng Trí Quang đã ra Hà Nội mời Hòa thượng Tố Liên - Pháp  
chủ Tăng già Bắc Việt vào Huế tham gia thảo luận tình hình trước khi  
ngài Tố Liên sang Nhật Bản dự Hội nghị Phật giáo Thế giới lần thứ  
hai diễn ra từ ngày 25/9 đến 13/10/1952 (đại biểu phía Nam có Hòa  
thượng Quảng Minh, bà Nguyễn Hữu Pha và Nguyễn Văn Lượng  
cũng tình nguyện tự bỏ kinh phí đi theo đoàn). Từ ngày 25/5/1952 đến  
ngày 29/5/1952, Hòa thượng Tố Liên đã vào Huế để cùng bàn định  
tình hình với Ban Trị sự Tăng già Trung Việt. Tại đây, đại diện Tăng  
già hai miền Trung - Bắc đã nhất trí thông qua một chương trình hoạt  
động để tiến tới thành lập Giáo hội Tăng già trong toàn quốc như sau:  
Ba vị Pháp chủ và ba vị Tổng Trị sự Giáo hội Tăng già ở Bắc, Trung,  
Nam sẽ tiến hành nhóm họp hội đồng; Sau khi Giáo hội Tăng già Nam  
Việt chấp thuận việc tổ chức đại hội toàn quốc thì Giáo hội Tăng già ở  
48  
Nghiên cứu Tôn giáo. Số 2 - 2019  
Bắc và Trung sẽ tiến hành triệu tập đại biểu tham dự; đồng thời, xây  
dựng dự thảo về cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động cho sự ra  
đời của Giáo hội Tăng già Việt Nam; Giáo hội Tăng già ở miền Trung  
sẽ mời các đại biểu của Ban Quản trị Tổng hội Phật giáo Việt Nam và  
đại biểu 3 Ban Trị sự của 3 tổ chức Phật học ở Bắc, Trung, Nam cùng  
tham dự công cuộc thống nhất để góp thêm ý kiến; Dự kiến đại hội để  
tiến tới thống nhất Tăng già trong cả nước sẽ diễn ra tại chùa Quán sứ  
Hà Nội vào ngày 7/9/1952 (19/7 âm lịch)12.  
Ngay sau khi cuộc họp trù bị giữa đại diện tăng già 2 miền Bắc -  
Trung kết thúc, Hòa thượng Mật Nguyện đã vào Nam để trao đổi và  
bàn định tình hình với Giáo hội Tăng già Nam Việt. Trên cơ sở đó,  
ngày 29/5/1952, Ban Trị sự Giáo hội Tăng già Nam Việt đã nhóm họp  
tại chùa Ấn Quang và ra quyết nghị: 1/Đồng ý tính chính thống của  
Hội nghị trù bị tăng già vừa nhóm họp tại Huế để tiến tới thành lập  
Giáo hội Tăng già trong toàn quốc; 2/Chấp nhận những quyết định của  
hội nghị trù bị nói trên; 3/Chấp thuận việc Giáo hội Tăng già Bắc Việt  
tổ chức hội nghị thống nhất tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.  
Giáo hội Tăng già Nam Việt đã cử phái đoàn tham dự Hội nghị  
thống nhất do Pháp chủ Đạt Thanh làm trưởng đoàn (đến ngày  
8/3/1953, Giáo hội Tăng già Nam Việt suy tôn Hòa thượng Huệ  
Quang làm pháp chủ chính thức. Vị pháp chủ kế tiếp là Hòa thượng  
Khánh Anh, suy tôn ngày 31/7/1956 tại chùa Huê Lâm, Chợ Lớn, và  
trụ sở đặt tại chùa Từ Nghiêm ở đường Bà Hạt, Sài Gòn).  
Đúng như kế hoạch, từ ngày 7/9 đến 13/9/1952 (ngày 19 đến 26/7  
Âm lịch), Hội nghị Tăng già Toàn quốc Việt Nam được tổ chức tại  
chùa Quán Sứ, Hà Nội. Đại hội đã thống nhất bầu ra Ban Trị sự toàn  
quốc như sau: Hòa thượng Trí Hải - Trưởng ban Trị sự, Hòa thượng  
Tâm Châu - Phó ban Trị sự; Hòa thượng Tố Liên - Tổng Thư ký; Đại  
đức Hải Minh - Phó Tổng Thư ký; Đại đức Viên Tu - Thủ quỹ; Hòa  
thượng Đôn Hậu - Trưởng ban Giám luật kiêm Nghi lễ; Hòa thượng  
Thiện Hòa - Trưởng ban Giáo thọ; Hòa thượng Thiện Siêu - Trưởng  
ban Hoằng pháp; Đại đức Thanh Tùng - Trưởng ban Hộ tịch.  
Cùng với việc xây dựng cơ cấu tổ chức, Hội nghị Tăng già toàn  
quốc cũng đã thông qua những vấn đề quan trọng về nghi lễ, hoằng  
Dương Thanh Mừng. Về sự ra đời của các tổ chức Phật giáo…  
49  
pháp, về giáo dục và việc biên phiên dịch kinh sách Phật giáo... Cụ  
thể: Về nghi lễ, chỉnh đốn các nghi thức tụng niệm, các lễ phục trong  
khi hành lễ, chỉnh đốn các cơ sở thờ tự, cúng kýnh trong toàn quốc.  
Thời hạn thực hiện là 6 tháng. Về hoằng pháp, kiểm duyệt các kinh  
sách, báo chí xuất bản mang tên Giáo hội hoặc các cơ quan chung của  
Giáo hội như: Các Phật học đường, tịnh xá, phòng thuốc...; mở các lớp  
chuyên tu Phật học cho tăng già và sau mỗi khóa sẽ cấp giấy chứng  
nhận cho vị nào tham gia tu học. Về công tác biên, phiên dịch thì lập  
danh mục các kinh sách cần dịch, phân phối cho những vị có khả năng  
tham gia dịch thuật (có quy định thời hạn kèm theo); thống kê và kiểm  
duyệt lại những kinh sách đã dịch trước đây; lập cơ quan phát hành  
những kinh sách do Giáo hội ấn tống; cổ động những kinh sách do  
Giáo hội xuất bản. Về giáo dục, mở lớp nghiên cứu giáo lý cho chư  
tăng đang làm nhiệm vụ Phật sự mỗi năm một khóa ba tháng an cư;  
thành lập một Phật học viện có quy mô toàn quốc và chỉnh đốn các  
Phật học đường hiện hữu; tổ chức các kỳ thi để khảo hạch các tăng ni  
sinh; các học tăng này đều phải có một sức học tương đương với bậc  
tiểu học tại các trường Phật học mới được thọ giới Sa di và mới được  
Giáo hội chứng nhận; xây dựng một chương trình đào tạo chung nhất  
cho toàn thể các Phật học đường của Giáo hội...13.  
Ngay sau khi Giáo hội Tăng già toàn quốc được thành lập, từ ngày  
7 đến 9/3/1953, Giáo hội Tăng già Nam Việt đã làm lễ suy tôn ngôi vị  
Pháp chủ chính thức cho Phật giáo Nam Việt tại chùa Ấn Quang (Sài  
Gòn), với sự tham dự của 500 tăng, ni, và 2.000 thiện nam tín nữ đến  
từ các tỉnh thành trên toàn miền Nam (có một số đại biểu đến từ  
Campuchia). Vì tuổi cao, sức yếu nên Hòa thượng Đạt Thành, chùa  
Giác Ngộ - Pháp chủ lâm thời đã giới thiệu Hòa thượng Huệ Quang và  
được toàn thể Hội nghị đồng thanh chấp thuận.  
Lễ suy tôn ngôi vị Pháp chủ đánh dấu một bước phát triển mới  
trong giai đoạn hai của Phong trào Chấn hưng Phật giáo miền Nam.  
Đến đây, các mục tiêu được nêu ra trong Bản Điều lệ và Quy tắc của  
Hội Phật học Nam Việt cũng như Giáo hội Tăng già Nam Việt gần  
như đã được thực hiện một cách toàn diện. Và vì vậy, lễ suy tôn lần  
này đã thực sự mở ra một kỷ nguyên mới cho Phong trào Chấn hưng  
50  
Nghiên cứu Tôn giáo. Số 2 - 2019  
Phật giáo ở miền Nam vì hai bên tăng già và cư sĩ đã quyết định thống  
nhất lực lượng và ý chí trong việc hoằng dương Chính pháp14. Nhận  
định về sự kiện này, các cư sĩ Nam Việt cũng đã cho rằng: “Hôm nay  
có thể gọi là ngày mở ra một kỉ nguyên mới cho Phật giáo Nam Việt.  
Từ đây, tăng già có một đoàn thể chân chính, sống trong tinh thần lục  
hòa, trên lại có đức Hòa thượng Pháp chủ tài đức kiêm toàn lãnh đạo  
và chứng minh tất cả Phật sự của hai giới. Chúng tôi không có gì vui  
mừng bằng được dự lễ suy tôn này, và là một vinh dự của chúng tôi  
trên con đường đạo”15. Nhằm biểu thị sự đồng tâm, nhất trí với công  
cuộc suy tôn ngôi Pháp chủ, các cư sĩ Nam Việt đã phát nguyện rằng:  
1/Trên con đường phụng sự Chính pháp, chúng tôi nguyện sẽ ủng hộ  
chư tăng đủ mọi phương diện để hoàn thành nhiệm vụ Hoằng pháp lợi  
sanh, báo Phật ân đức. 2/Chúng tôi nguyện trung thành và đứng sau  
lưng đức Pháp chủ cùng tăng ni, để ủng hộ sự chân chính của Ngài.  
3/Chúng tôi nguyện hết lòng phụng sự đạo Pháp để cho giá trị của chư  
tăng mới tồn tại và thanh danh của Đạo pháp không bị tổn thương.  
4/Chúng tôi nguyện tận lực và sốt sắng học Phật, tìm hiểu và giữ đúng  
lời Phật dạy để tránh mọi sự mê lầm đưa giới cư sĩ chúng tôi vào con  
đường mê tín dị đoan. 5/Chúng tôi nguyện tự tu để rèn luyện lời nói, ý  
nghĩ và hành động cho được trong sạch, để xứng đáng làm đệ tử của  
đoàn thể tăng già chân chính và người đời không phải mỉa mai.  
6/Chúng tôi nguyện luôn cộng tác chặt chẽ cùng chư tăng trong  
phương diện củng cố ngôi nhà của đấng từ phụ, còn về mặt hoằng  
pháp, thì toàn nhờ ở sức chư tăng. 7/Chúng tôi nguyện đem đức hòa  
của chư tăng để kêu gọi tất cả giới cư sĩ góp sức cùng chúng tôi trong  
công cuộc hộ pháp. Chư tăng ngày nay đã đoàn kết thì giới cư sĩ, nhất  
là bổn đạo các chùa không còn lý do gì mà không cùng chúng tôi lập  
thành một khối và đem toàn lực ra phụng sự Tam Bảo. 8/Chúng tôi  
nguyện nhờ đức hạnh của chư tăng, nhất là sự dẫn đạo sáng suốt của  
ngài Pháp chủ để Phật giáo được phổ biến khắp mọi nơi, len lỏi vào  
những tâm hồn u tối, để sớm thức tỉnh họ, vào những tâm hồn chán  
nản, bi quan để mang lại cho họ sức sống mới.  
Ngày 5/10/1953, tại Phật học đường Nam Việt (chùa Ấn Quang)  
dưới sự chủ trì của đức Pháp chủ Huệ Quang, Ban Trị sự Giáo hội  
Tăng già, Ban Quản trị Hội Phật học Nam Việt, Ban Giám đốc Phật  
Dương Thanh Mừng. Về sự ra đời của các tổ chức Phật giáo…  
51  
học đường, Ban Thiền học Hỗ trợ đã quyết định thành lập Ủy ban  
Liên hiệp gồm 1 Ban viên, 2 vị xuất gia, 2 tại gia. Chức năng và quyền  
hạn của Ủy ban là: Thu thập ý kiến, thảo luận và quyết định tất cả các  
Phật sự ở miền Nam có liên quan chung đến phái xuất gia và tại gia;  
giải quyết tất cả những hiểu lầm ở hai bên; các quyết định do Ủy ban  
triển khai thì hai bên sẽ phải triệt để thi hành. Ủy ban được xem là  
“trọng tài” giữa hai tổ chức là Hội Phật học Nam Việt và Giáo hội  
Tăng già Nam Việt, đồng thời là cơ quan chỉ đạo tối cao của Phong  
trào Chấn hưng Phật giáo ở miền Nam16.  
Như vậy, sau sự kiện hợp nhất về công tác hoằng pháp như đã nêu  
ở trên, thì đây là lần hợp nhất về mặt tổ chức tiếp theo giữa hai phái  
tăng già và cư sĩ, hai tổ chức là Giáo hội Tăng già Nam Việt và Hội  
Phật học Nam Việt. Sự ra đời của Ủy ban Liên hiệp là minh chứng  
cho tinh thần lục hòa đã được củng cố và phát huy một cách mạnh mẽ  
trong giới Phật giáo miền Nam. Đồng thời, sự hợp nhất này cũng  
chính là bước chuẩn bị hết sức cơ yếu về cả nhân tài, vật lực, tổ chức,  
và cả tinh thần, phương châm hành động để Phật giáo miền Nam bước  
vào một thời kỳ mới với đầy cam go và thử thách trước chính sách kỳ  
thị tôn giáo của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.  
Kết luận  
Mặc dù chỉ tiếp cận vấn đề trong một khoảng thời gian rất ngắn (4  
năm), nhưng qua việc khảo sát các nguồn thông tin, tư liệu đã thu thập  
được, có thể nhận thấy rằng, sự ra đời của Hội Phật học Nam Việt và  
Giáo hội Tăng già Nam Việt đã có tác động và hỗ trợ rất lớn đối với  
sự phục hồi, phát triển của Phong trào Chấn hưng Phật giáo miền Nam  
Việt Nam. Những dấu ấn của công cuộc chấn hưng Phật giáo miền  
Nam từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, gần như chỉ được thể  
hiện và phát huy khi hai tổ chức này ra đời. Do vậy, nghiên cứu về  
tình hình Phật giáo miền Nam giai đoạn 1951 - 1954, cần đặt nó trong  
mối tương quan với toàn bộ thời gian của công cuộc chấn hưng Phật  
giáo (1931-1954), để chúng ta có thể có được những nhận xét và đánh  
giá thật xác đáng về vai trò, vị trí của các tổ chức Phật giáo này. Bên  
cạnh đó, cần ghi nhận những công lao to lớn và sự nỗ lực để xây dựng  
một tinh thần hòa hợp giữa các tăng ni, Phật tử với các cư sĩ hữu công  
52  
Nghiên cứu Tôn giáo. Số 2 - 2019  
trong quá trình vận động sự chung tay, góp sức để nhất thể hóa Phật  
giáo miền Nam thành một tổ chức thống nhất. Chính sự nhất thể hóa  
về mặt tổ chức đã tạo nên những nguồn sức mạnh nội sinh vô cùng to  
lớn, làm tăng thêm khả năng và tinh thần cho Phật giáo miền Nam  
trong công cộc đấu tranh vì sự vẹn toàn của Đạo pháp, vì một thế giới  
thực tại hòa bình, an vui. /.  
CHÚ THÍCH:  
1
2
3
Nguyễn Văn Khỏe (1951), “Bản Tuyên cáo của Hội Phật học Nam Việt”, Phương  
Tiện Bán Nguyệt san, số 31: 14.  
Hội Phật học Nam Việt (1951), “Diễn văn khai mạc buổi nhóm Đại hội đồng  
khánh thành Hội Phật học Nam Việt”, Từ Quang Phật học, số 1: 14 - 22.  
Hội Phật học Nam Việt (1951), “Diễn văn khai mạc buổi nhóm Đại hội đồng...”,  
Tlđd: 14 - 22.  
4
5
Hội Phật học Nam Việt (1960), Điều lệ và Quy tắc, Nhà in Bùi Văn Tạ, Sài Gòn: 1-15.  
Bản Điều lệ đầu tiên của Hội được thông qua vào ngày 28/5/1951 (ban hành vào  
năm 1952) với 45 điều khoản. Ngày 25/6/1960, Bản Điều lệ của Hội đã có sự  
điều chỉnh theo Quyết định số 166/BNV/KS của Bộ trưởng Nội vụ Lâm Lễ  
Trinh. Theo đó, Điều lệ mới của Hội từ 45 điều đã được nâng lên thành 54 điều,  
bổ sung cách thức nhóm họp (2 năm 1 lần), cơ cấu tổ chức của Tổng Hội đồng...  
Hội Phật học Nam Việt (1952), Điều Lệ, Nhà in Vân - Vovan, đường Boudonnet,  
Sài Gòn: 1 - 12.  
6
7
8
Hội Phật học Nam Việt (1954), “Tin tức”, Từ Quang Phật học, số 27: 44 - 45.  
Edward Miller (2015), “Religious Revival and the Politics of Nation Building:  
Reinterpreting the 1963 “Buddhist crisis” in South Vietnam”, Modern Asian  
Studies, Vol. 49, Issue 6: 1903 - 1962.  
9
Hội Phật học Nam Việt (1953), “Tin tức”, Từ Quang Phật học, số 20: 47 - 48.  
10 Giáo hội Tăng già Nam Việt (1957), Mục đích và hệ thống tổ chức, Giáo hội  
Tăng già phát hành, Bản đánh máy lưu tại chùa Huệ Quang: 1 - 8.  
11 Phật giáo Việt Nam (1955), Điều lệ Giáo hội Tăng già Nam Việt, Nhà in Sen  
Vàng, Chợ Lớn: 1 - 15.  
12 Hội Phật học Nam Việt (1952), “Tin tức”, Từ Quang Phật học, số 7: 39 - 42.  
13 Hội Phật học Nam Việt (1952), “Tin tức”, Từ Quang Phật học, số 12: 38 - 41.  
14 Hội Phật học Nam Việt (1953), “Tin tức”, Từ Quang Phật học, số 15: 46 - 48.  
15 Hội Phật học Nam Việt (1953), “Bài phát nguyện của tập đoàn cư sĩ Phật học  
Nam Việt”, Từ Quang Phật học, số 16: 46 - 48.  
16 Hội Phật học Nam Việt (1953), “Tin tức”, Từ Quang Phật học, số 22: 41 - 42.  
TÀI LIỆU THAM KHẢO  
1. Giáo hội Tăng già Nam Việt (1957), Mục đích và hệ thống tổ chức, Giáo hội  
Tăng già phát hành, Bản đánh máy lưu tại chùa Huệ Quang, Sài Gòn.  
2. Hội Phật học Nam Việt (1951), “Diễn văn khai mạc buổi nhóm Đại hội đồng  
khánh thành Hội Phật học Nam Việt”, Từ Quang Phật học, số 1.  
3. Hội Phật học Nam Việt (1952), Điều Lệ, Nhà in Vân - Vovan, đường  
Boudonnet, Sài Gòn.  
Dương Thanh Mừng. Về sự ra đời của các tổ chức Phật giáo…  
53  
4. Hội Phật học Nam Việt (1952), “Tin tức”, Từ Quang Phật học, số 7.  
5. Hội Phật học Nam Việt (1952), “Tin tức”, Từ Quang Phật học, số 12.  
6. Hội Phật học Nam Việt (1953), “Bài phát nguyện của tập đoàn cư sĩ Phật học  
Nam Việt”, Từ Quang Phật học, số 16.  
7. Hội Phật học Nam Việt (1953), “Tin tức”, Từ Quang Phật học, số 15.  
8. Hội Phật học Nam Việt (1953), “Tin tức”, Từ Quang Phật học, số 20.  
9. Hội Phật học Nam Việt (1953), “Tin tức”, Từ Quang Phật học, số 22.  
10. Hội Phật học Nam Việt (1954), “Tin tức”, Từ Quang Phật học, số 27.  
11. Hội Phật học Nam Việt (1960), Điều lệ và Quy tắc, Nhà in Bùi Văn Tạ, Sài Gòn.  
12. Miller, Edward (2015), “Religious Revival and the Politics of Nation Building:  
Reinterpreting the 1963 “Buddhist crisis” in South Vietnam”, Modern Asian  
Studies, Vol. 49, Issue 6.  
13. Nguyễn Văn Khỏe (1951), “Bản Tuyên cáo của Hội Phật học Nam Việt”,  
Phương Tiện Bán nguyệt san, số 31.  
14. Phật giáo Việt Nam (1955), Điều lệ Giáo hội Tăng già Nam Việt, Nhà in Sen  
Vàng, Chợ Lớn.  
Abstract  
ON THE BIRTH OF BUDDHIST ORGANIZATIONS IN THE  
SOUTH VIETNAM IN THE 1951-1954 PERIOD  
Duong Thanh Mung  
The 3rd Region Academy of Politics, Danang  
So far, research on the situation of Southern Buddhism in the  
period between 1951 and 1954 is still a gap for many domestic  
and foreign scholars. Meanwhile, the transformation of Southern  
Buddhism in this period played an important role in regulating  
the development of Southern Buddhism at the next periods. In  
order to clarify this issue, the author analyzes features of the  
birth of the Nam Viet Buddhist Association and the Nam Viet  
Sangha. These were the two Buddhist organizations that played a  
crucial role in revival activities in the South since the birth of the  
Vietnam Buddhist Association as well as in the struggle to  
maintain the integrity of the Dharma.  
Keywords: South; Buddhism; organization; Vietnam.  
pdf 20 trang baolam 16/05/2022 3900
Bạn đang xem tài liệu "Về sự ra đời của các tổ chức Phật giáo ở miền Nam Việt Nam, giai đoạn 1951-1954", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

File đính kèm:

  • pdfve_su_ra_doi_cua_cac_to_chuc_phat_giao_o_mien_nam_viet_nam_g.pdf